ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Khi bà xã ‘tức nước vỡ bờ’
Thursday, January 21, 2010 15:31
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


 

Khi bà xã ’tức nước vỡ bờ’ - Tin180.com (Ảnh 1)

Ảnh minh họa: Cdn.turner.com.

Anh Toàn vừa vào nhà thì đã thấy mặt vợ cau có, rồi vừa lau những vết giày của anh chị vừa than thở: “Làm muốn bở hơi tai, hết dọn trên lầu lại xuống đất”. Anh nghe phừng phừng hai tai, nhưng cố nhịn.

Khi cảnh sát khu vực của phường 14, quận 4, TP.HCM đến nhà anh Minh Toàn ở hẻm 538 Đoàn Văn Bơ, để can thiệp chuyện vợ chồng anh xô xát, hàng xóm rất ngạc nhiên bởi anh là người luôn nhẹ nhàng với vợ con. Chị Kim Huệ, vợ anh, lại vừa đẹp vừa đảm đang. Theo giải trình của anh Toàn, anh đi nhậu về mệt, vợ không chăm sóc mà than vãn suốt đã khiến anh bực mình.

Anh vào phòng ngủ nhưng không chợp mắt được vì tiếng vợ the thé vọng sang từ bàn học của cậu con trai. “Thân cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”, câu này mà hổng hiểu hả? Thân cò là như mẹ nè, cực khổ trăm chiều, hy sinh cả đời cho chồng con, không biết một chút hưởng thụ cho riêng mình. Lớp phục vụ tại nhà, lớp lo cho ông bà nội con, lớp phải đi làm kiếm từng đồng từng cắc. Buôn bán ngoài chợ bộ con tưởng sướng lắm hả? Sáng sớm thức dậy lạnh cóng, trong khi người khác ngáy pho pho…”.

Nghe vợ giảng giải kiểu đó, anh Toàn chạy ra khỏi phòng, hét lớn: “Có im mồm không?”, rồi túm lấy vợ mà tát, “Cò nè, nuôi chồng nè!”. Chị Huệ vừa kêu khóc, vừa gọi điện thoại nhờ cảnh sát khu vực can thiệp.

Hai tháng nay, chị Thanh Mi (thợ trang điểm ở quận Phú Nhuận) đã ôm con về nhà mẹ ruột và dọa chồng: “Nếu anh không qua rước tui, xin lỗi tui thì vợ chồng sống ly thân sáu tháng rồi nộp đơn ly hôn luôn”. Mâu thuẫn phát sinh khi anh chị cùng đến bệnh viện Từ Dũ thăm người bạn thân của chị vừa sinh con gái. Chị Mi than thở với bạn sinh con gái thì con khổ, vì bao giờ cũng thiệt thòi hơn con trai. Chị còn đem mình ra làm ví dụ cho cái gọi là “hồng nhan bạc phận”, là “số con rệp”. Anh Uy – chồng chị không chịu được kiểu than vãn của vợ trong bối cảnh như thế, tìm cách ngắt lời nhưng chị vẫn làm tới. Bực mình, anh bỏ về trước. Thế là chiến tranh xảy ra.

Chị chỉ than, nhưng “bộ từ điển đàn ông” trong anh Uy lại dịch ra là vợ đang trách móc chồng, đang tố cáo với bạn anh là người chồng vô trách nhiệm, vô tích sự, chỉ làm khổ vợ con. Rồi đến mẹ chị Mi, nghe lời con lại hình dung con gái mình thật bất hạnh khi sống bên người chồng như thế.

Thực tế, như anh Uy nhận định, chỉ cần được phân nửa như chị Mi là đã có khối bà vợ phải thèm thuồng và tự hào. Anh cho rằng vợ sướng như “hạc” mà cứ tự hạ giá thành “cò”. Bảy năm chung sống, anh luôn dị ứng với lối bi kịch hóa cuộc đời của vợ cũng vì thế, trong khi chị nhấp nhổm trông chờ chồng rước, anh lại phân vân. Anh muốn rước vợ con vì vẫn còn yêu, nhưng rước về thì… Anh đang quá ngán ngẩm với bệnh than của vợ.

“Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều chẳng ai muốn than nhưng khi người vợ phải than vãn, có nghĩa là đã quá mệt mỏi, cần được chồng quan tâm, chia sẻ. Khác với nam giới, phụ nữ ít có thời gian và phương tiện giải tỏa căng thẳng hơn nên than thở cũng là một liệu pháp giải phóng bớt buồn phiền. Than cũng cần thiết nên mới được số đông các bà vợ áp dụng. Nghe vợ than, các ông chồng đừng vội bực mình, la mắng mà bình tâm tìm hiểu mong muốn thầm kín của vợ để điều chỉnh mình” – chị Huỳnh Thư, thành viên Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc ở phường Tân Quy, quận 7, TP HCM tâm sự.

Tuy nhiên, than thở như chị Kim Huệ lại phản tác dụng vì dai dẳng và không đúng lúc, đã làm phát sinh thêm hậu quả, làm tình cảm vợ chồng bị tổn thương. Các bà vợ than thở quá nhiều và không đúng lúc thường khiến chồng đâm ra nhàm và lờn. Đến khi gặp chuyện thực sự khó khăn, đau khổ, có than chồng cũng nghĩ là chuyện bình thường.

Cuộc trắc nghiệm nhỏ với trên 100 khách hàng tư vấn của Viện Tâm lý và giáo dục pháp luật (thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) đã có kết quả: các bà vợ không nên than thở vì than sẽ… phiền. Khi vợ than thở với chồng (hoặc qua trung gian rồi đến tai chồng) thì 95% khả năng chồng sẽ phản ứng bất lợi như to tiếng, lầm lì, bực dọc; chỉ có 5% là điều chỉnh theo ý vợ. Trường hợp vợ tâm tình hoặc nói một cách dí dỏm vào các thời điểm thích hợp như sau bữa ăn, dã ngoại cuối tuần, trên giường ngủ… thì kết quả sẽ ngược lại. Có đến 95% phản ứng tích cực: chồng tiếp nhận thông tin của vợ và sẽ xử lý theo hai hướng: thay đổi theo ý vợ hoặc nghe xong để đó; chỉ có 5% phản ứng bất lợi.

Với nam giới, phụ nữ tác động vào tình cảm sẽ thu được kết quả tốt hơn là tấn công vào lý trí. Nên chọn đúng thời điểm chồng mở lòng để nhận thông tin từ vợ và biết chọn liều lượng thông tin vừa đủ. Đàn ông thích vui tươi, nhẹ nhàng hơn là than trách, ưu phiền.

Vì sao cả chồng lẫn vợ đều phải tuyên chiến với bệnh “than”? Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Khắc Hùng, Viện trưởng Viện Tâm lý và giáo dục pháp luật giải thích bóng bẩy: “Trong nhà chứa đầy than thì không còn chỗ cho tiếng cười và lời nói ngọt ngào, không còn chỗ cho hạnh phúc”.

Người phụ nữ thông minh và biết nghệ thuật làm vợ sẽ không bao giờ than thở, nhưng cũng không cắn răng cam chịu khi gánh vác, quán xuyến tất cả công việc mà luôn biết tự cứu mình. Thực ra, không cần vợ than vãn, người chồng cũng biết hết nỗi nhọc nhằn của vợ, vấn đề chỉ là với những ông chồng lười biếng, ham vui lại gia trưởng, bảo thủ, thì từ “biết” đến “làm” là rất xa.

Nếu một bên không tự giác gánh vác thì việc phân công trách nhiệm trong gia đình là vô cùng cần thiết, nhưng không dễ tí nào. Chị Hạnh Phương (làm kế toán ở quận 3, TP HCM) đúng là cực như “cò” vì lấy phải ông chồng lười biếng. Sau giờ tan sở, về nhà anh chỉ biết làm mỗi việc là tự tắm cho mình. Chị phải lo kiếm tiền nuôi cả nhà, lại phải bao hết mọi việc, từ nấu ăn, rửa chén, đưa đón con đi học, giặt giũ, tưới cây, lau nhà, dạy dỗ các con và giao tế hai bên gia đình, đến cả việc giao dịch với cơ quan công quyền để làm các thứ thủ tục, giấy tờ… cũng chị nốt. Đuối sức, công việc cơ quan bê trễ, chị từng than đủ kiểu nhưng không động lòng chồng. Chị đang định ly hôn thì bị tai nạn giao thông gãy chân.

Trong cái rủi có cái may, chồng chị đã bắt đầu “hợp tác lao động”. Sau khi bó bột, chị họp mặt cả nhà và nhờ mỗi người mỗi việc. Mẹ chồng 78 tuổi sẽ lo nấu ăn, chồng tưới cây, đổ rác mỗi sáng, dậy sớm đưa con đi học, chiều đón con, bé gái bảy tuổi quét nhà, rửa chén, bé trai 15 tuổi đi chợ, giặt giũ… Dù lười, lúc đó chồng chị cũng không thể thoái thác nhiệm vụ. Chẳng lẽ đùn việc cho mẹ già, con dại? Sau một tháng chị Phương gãy chân, chồng chị đã… quen việc, nâng cao trách nhiệm và trở thành điểm tựa cho cả nhà. Điều quan trọng là anh đã hiểu được vì sao trước nay vợ mình cứ “bán than”.

(theo Phụ Nữ TP HCM)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.