Tạo hóa bắt tai Đạo gần như điếc, miệng Đạo gần như câm. Nhưng bù lại mắt Đạo thật sáng, tay Đạo thật khéo. Đất sét vào tay Đạo như qua tay phù thủy, tất cả đều rỡ ràng, lung linh, có hồn có cốt…
Phạm Anh Đạo tỉa tót chiếc độc bình cao khoảng 2,5m, một tác phẩm mà anh bảo “thích thì làm thôi” – Ảnh: Vy An
Cả ba làng gốm ven sông Hồng: Đống Cao, Bát Tràng và Kim Lan đều nức tiếng người làm gốm trẻ Phạm Anh Đạo. Tạo hóa bắt tai Đạo gần như điếc, miệng Đạo gần như câm nhưng bù lại mắt thật sáng và tay thật khéo. Còn hơn cả khéo, đất sét vào tay Đạo như qua tay phù thủy, tất cả đều rỡ ràng, lung linh, có hồn có cốt. Đạo cũng là người cuối cùng ở Bát Tràng còn vuốt gốm bằng tay và chỉ bằng tay, từng chiếc một. Đạo không biết nói gì về mình, chỉ lầm lũi vuốt gốm. Như thế đã hơn 20 năm…
Trinh xắn tay áo giúp chồng đang vuốt gốm – Ảnh: Vy An |
Phạm Anh Đạo là một trong mười công dân trẻ tiêu biểu của thủ đô năm 2009. Anh cũng là nghệ nhân trẻ nhất làng gốm Bát Tràng khi hiện nay mới 31 tuổi.
Cậu bé nhìn thấy “con chó cười đuôi”
Mẹ Đạo kể: Đạo khổ từ bé, sinh ra đã khổ. Sinh đôi. Đạo là anh nặng 1,5kg. Đức là em nặng hơn 1 lạng, là 1,6kg. Chỉ hơn 1 lạng thôi nhưng Đức khỏe mạnh, không ốm không đau, vì ốm đau đã có Đạo gánh hết. Đạo ốm đau liên miên. Đạo sốt cao, uống nhiều kháng sinh đến nỗi thành điếc. Có lần ốm nặng quá tưởng không qua khỏi, bà với mẹ định mua cho bộ quần áo đẹp để Đạo mặc, đi cho đỡ tủi. Thế rồi Đạo lại qua được. Chắc trời thương người hiền.
Bố Đạo, ông Phạm Ngọc Huy, một thợ gốm nổi tiếng ở Bát Tràng, kể: “Năm tuổi Đạo vẫn chưa biết nói như con nhà người ta, chỉ biết ngồi thu lu một chỗ xem cha nhồi đất, vuốt gốm. Lần nào xem cha làm việc, gặp phải hôm đất nhão bình, lọ bị chảy sụp xuống, cậu đều giật giật tay cha, chỉ chỉ rồi nhún vai lên, sệ vai xuống ra cái điều “vai gốm bị chảy”.
Thấy con tật nguyền cũng buồn, nhưng quan sát kỹ thấy thằng bé hóa ra có con mắt biết nhìn, biết nhận xét xấu đẹp. Gần 10 tuổi nó mới nói được vài tiếng. Có lần thấy nó đi chơi về, con chó chạy ra mừng, vẫy đuôi rồi rít, mắt nó sáng bừng lên và khó nhọc nói với tôi: “Con chó nó cười đuôi”. Tôi thấy vui vui vì con mình tuy thế nhưng suy nghĩ khá ngộ nghĩnh. Nó quan sát hết, hiểu hết, cảm nhận được hết, chỉ không nghe được và nói rất khó khăn mà thôi”.
Đạo học hết lớp 6 phải nghỉ vì học rất vất vả, cô giáo nói không nghe thấy gì. Lúc Đạo 15, chưa đến tuổi lao động, cha cho Đạo học nghề bằng cách để cậu đi đến tất cả các nhà trong làng xem người ta làm gốm. Khác hẳn lúc học ở trường, Đạo học làm gốm nhanh như người ta lắp sẵn máy tính trong đầu. Các công đoạn làm gốm đã lọt vào mắt, chui vào đầu Đạo thì không có ra: nhào đất, cân đất, tạo xương, vuốt gốm, vẽ, pha men, xếp lò, canh lò, ra lò Đạo làm được hết. Đạo mê nhất là tạo hình và vuốt gốm. 20 tuổi, Đạo đã nức tiếng là tay thợ gốm trẻ khéo tay nhất làng Bát Tràng.
Chuyện tình làng gốm
Đạo cứ im lìm thế mà rồi có ngày lấy được vợ đẹp. Trong ngày hội làng Bát Tràng, có cô gái làng gốm Kim Lan nghe tiếng anh trai làng bên khéo tay, hiền lành, mỗi tội trời bắt không nghe được, đã chủ động tìm đến làm quen. Mỹ Trinh, cũng là con nhà làm gốm gia truyền, mê tài Đạo mà khăn gói theo anh về Bát Tràng. “Là em tán anh ấy đấy chứ anh ấy có nói gì với em đâu, chỉ im lặng, muốn gì cũng phải hét thật to vào tai. Anh ấy nói với em cũng to như quát, lại còn giật cục, nhát gừng”.
Chị Hà, chị gái Trinh, theo em sang Bát Tràng nhào đất cho Đạo làm gốm bảo: “Đúng là số trời, cái Trinh ở nhà nhát lắm, ăn nói lí nha lí nhí, thế mà yêu thằng Đạo là mạnh bạo hẳn lên, quyết lấy bằng được. Về nhà chồng toàn người ăn to nói lớn – nói cho người điếc nghe mà – thế là cũng thành người bạo mồm bạo miệng, ăn nói to tát, rõ ràng”.
Trinh bảo: “Anh Đạo nhà em không nghe không nói được, thành ra em phải vừa là tai vừa là miệng của chồng. Anh ấy chỉ biết làm, hứng lên bỏ đấy đi chơi với bạn, còn mọi việc tiếp khách, định giá, bán hàng, thậm chí khách không ưng vì anh ấy lên cơn ngẫu hứng tự sửa mẫu theo ý mình, việc năn nỉ ỉ ôi với khách cũng là em. Đạo nhà em chả bao giờ biết cái gì bán bao nhiêu, cứ thấy đẹp là làm. Mà làm bằng tay, từng cái một, có bán đắt gấp đôi gấp ba người ta cũng chả biết đến bao giờ mới giàu. Người ta làm công nghiệp, hàng ngàn cái một lúc.
Nhưng em cũng kệ, chả ép, anh ấy thích thế thì cứ để làm thế, miễn anh ấy vui là được. Mà nghe người ta khen chồng mình giỏi, gốm nhà mình đẹp em cũng thấy sung sướng, chứ trông giàu thì biết thế nào cho đủ. Chỉ thương nhất là lúc vào vụ có đơn hàng lớn, không thể thuê được nhân công vì cứ phải tự tay anh Đạo làm, 10-15 thợ chỉ làm vệ sinh gốm, nhào đất, xếp vào lò ra lò, còn anh ấy làm đến 80% công việc, xót chồng mà chẳng thể làm hộ được. Em chỉ vuốt được những cái nhỏ nhỏ, vẽ hoa những cái đơn giản và nhúng men khi anh ấy đã pha sẵn thôi”.
“Hôm trước, Đạo được phần thưởng “Công dân trẻ tiêu biểu của thủ đô”, có quà về tặng vợ không?”. “Em phải đi theo anh ấy vì sợ lúc gọi đến tên lại chả biết đường lên nhận phần thưởng. Được thưởng 2 triệu, về đưa hết cho vợ, bảo đây là phần thưởng của vợ đấy chứ!”.
Rất ý tứ, Trinh nói mà mắt vẫn không rời chồng, trời rét căm căm nhưng Đạo chỉ ngồi bên bàn xoay nửa tiếng là nóng. Anh chàng ngừng tay, ngả lưng ra sau, chìa tay áo ra vẻ làm nũng, Trinh chạy ngay đến, xắn tay áo lên cho chồng. Nét mặt Đạo giãn ra, sung sướng. Hạnh phúc nhiều khi cũng thật đơn giản.
Nghề riêng còn một chút này
Còn hơn một tháng nữa là tết, Đạo đang làm một lô hàng đặt riêng của một người bạn. Ông bạn lâu năm đặt chỉ hơn chục chiếc bình, thẳng tưng như chiếc ống, làm quà mừng tuổi bạn bè. Đạo ngồi vuốt từng cái, chăm chú say mê như lần đầu tiên ngồi trước bàn xoay, sờ vào đất. “”Bạn của Đạo là ai thế?” – gào đến lần thứ ba mới nghe Đạo buông một câu: “Bác Cương”. Trinh giải thích: “Bác ấy là họa sĩ Lê Thiết Cương, thân với Đạo nhà em lắm, hay về Bát Tràng chơi, bảo thích gốm nhà em vì làm bằng tay chả cái nào giống cái nào”.
Không chỉ họa sĩ Lê Thiết Cương, giới hội họa đã đến Bát Tràng đều tìm đến Đạo: Phạm Minh Hải, Đinh Quân… Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng hay lấy đĩa gốm của Đạo để vẽ chân dung bạn bè rồi tặng họ. Người sáng tạo có con mắt tinh đời, sành gốm, ắt biết giá trị của gốm Đạo.
“Đạo gốm” muốn hiểu là anh Đạo làm gốm cũng được, hay gốm như là một thứ “đạo” đối với người “công dân trẻ tiêu biểu” cũng được. Bởi Đạo làm gốm không phải vì tiền. Đạo tự nghĩ ra, tự làm những mẫu mình thích. Đạo phục chế gốm hoa nâu Lý Trần, men lam, men nước dưa, nước dong, men rạn… Đạo mày mò làm chóe, làm thạp, ấm tích, độc bình. Đạo đã không thích thì ai trả bao nhiêu cũng không bán, để ngắm chơi. Vợ lúc đầu cũng bực, xót tiền đất, men, tiền gas đốt lò, nhất là xót chồng, sau quen, chỉ cười: “Của anh ấy làm ra, anh ấy thích thế nào được thế”.
Đạo chả biết gì những chuyện mua bán, mà có biết cũng chả quan tâm. Đạo đang làm một bình rất to, cao cỡ 2,5m, mỗi ngày làm một tí. Đạo đứng chuốt những hoa văn là lạ một cách khoan khoái. Tôi hét thật to vào tai Đạo: “Cái bình này ai đặt?”. Đạo thủng thẳng: “Chả ai cả, thích thì làm thôi”.
Bé Duy Anh, 6 tuổi, ngồi thu lu bên cạnh Đạo xem bố làm gốm, như Đạo ngày xưa…
THU HÀ
Một mình vuốt 60.000 bộ ly tách!
Đơn hàng nhiều nhất Đạo từng làm là của Trung Nguyên, năm 2009, gồm sáu mẫu ly tách, chén đĩa, mỗi mẫu 10.000 bộ.Tất cả là 60.000 bộ. Khách Bắc Trung Nam, khách ở nước ngoài ngồi trong quán cà phê Trung Nguyên ở mọi địa điểm khác nhau, nâng tách cà phê bằng gốm nâu đậm đà mộc mạc thế, ít ai tưởng tượng được những chiếc tách ấy đều chỉ một tay Đạo tạo hình, vuốt ve, pha men, nhúng màu. Năm 2010, Trung Nguyên lại đặt hàng Đạo thêm một mẫu 10.000 bộ nữa, thế là Đạo cũng có bạn hàng lớn, dù vẫn chỉ làm thủ công, đơn chiếc. |
Theo Tuoitre