1. Tập cho bé làm quen với việc nhà
Ngay từ khi 3 tuổi, bố mẹ có thể hướng dẫn bé làm những việc nhỏ nhất như rửa tay trước khi ăn, lau miệng sau khi ăn, dọn đồ sau khi chơi. Điều này sẽ xây dựng cho bé sự nề nếp, tính tự giác và độc lập trong cuộc sống hàng ngày.
Khi bé từ 5 – 7 tuổi, mẹ có thể để bé tự mặc quần áo, chải đầu.
Khi bé 8 – 10 tuổi, mẹ hãy để cho bé giúp mẹ từ những việc nhỏ nhất trong bữa cơm như nhặt rau, lấy bát ăn, phụ mẹ rửa bát.
Trong nhà có người giúp việc, mẹ cũng nên hướng dẫn bé làm những việc vặt trong gia đình. Bố mẹ không nên quá “ỉ lại” vào người giúp việc, không bắt bé phải làm gì. Điều đó sẽ làm bé không biết làm một việc nhỏ nhất khi lớn lên. Bố mẹ lại không thể theo sát bé suốt ngày để làm hộ con mọi việc.
Trong cách giao việc cho bé, bố mẹ lưu ý nên chọn lựa những việc gì phù hợp với thể chất và dáng vóc của bé. Bố mẹ cũng không nên câu nệ lựa chọn công việc phù hợp với giới tính của bé. Ví dụ bé trai cũng có thể tham gia giúp mẹ làm bếp, không nên theo quan điểm: “con trai không cần biết gì chuyện bếp núc, nấu ăn”.
2. Để bé tự làm quen với các bạn
Một số bố mẹ luôn than phiền các con khi bắt đầu vào lớp 1 lại rụt rè. Khi nói chuyện với người lớn, các bé hay run cầm cập hay nói lí nhí khi cô giáo bắt đọc bài hay yêu cầu phát biểu.
Bé lên 3, bé đi mẫu giáo, mẹ nên hướng dẫn bé ngay cách làm quen với bạn bè, cách chào hỏi thầy cô và cách nói chuyện với người lớn. Cuối tuần, bố mẹ nên cho bé đi chơi công viên, vườn bách thú, để bé có dịp tự làm quen với các bạn. Khi bé lớn hơn một chút, mẹ có thể cho bé tham gia các lớp học năng khiếu.
Ngay cả khi bé đã đi học, bố mẹ không nên quá coi trọng việc học, lúc nào cũng bắt bé học và học. Bố mẹ nên cho bé tham gia các hoạt động xã hội khác và đừng coi thường điều đó, hay coi việc cho bé đi chơi là vô bổ. Bé có phát triển toàn diện và tự tin hay không một phần cũng là nhờ những yếu tố này.
3. Dạy bé cách tự bảo vệ bản thân
Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp bé phải đi cấp cứu vì mắc nghẹn hay hóc các vật nhỏ, ăn nhầm xà phòng, hoặc ngã vào nồi canh bị bỏng… Để tránh những tai nạn đáng tiếc này, cha mẹ chỉ cần dạy bé một chút để tránh xa những nguy hiểm.
Từ khi bé lên 3, chơi đồ chơi, cha mẹ có thể dạy bé cách tự bảo vệ bản thân, tránh những tai nạn có thể xảy ra như: “Nếu con chơi xong, để đồ chơi bừa bãi, có thể con sẽ dẫm phải những đồ chơi và bị ngã” hoặc “Khi con nhìn thấy nồi canh bốc hơi nghi ngút, hay phích nước nóng, con không được chơi ở gần đó”. Hoặc khi chở bé đi trên đường, mẹ dặn bé cẩn thận: “Khi nào mẹ dừng hắn xe, con mới được xuống xe”.
Những bài học đầu tiên về cách tự bảo vệ bản thân này dần dần sẽ giúp bé xây dựng những phản xạ phát hiện và tránh xa những nguy hiểm xung quanh mình.
Nam Hải
(Tổng hợp)
(theo afamily)