Bị hàng xóm “khủng bố”
Điều chị Điệp lo nhất là về cô con gái lên ba. Một hôm bé nghịch dại, chị mắng: “Con hư quá!” rồi sững sờ nghe con gái “bật” lại: “Mẹ cút ra khỏi nhà ngay!”. Đó là câu mà vợ chồng nhà bên vẫn hét vào mặt nhau. Điệp thực sự lo sợ vì con đang tuổi học ăn học nói, chưa phân biệt rõ tốt xấu, nếu cứ nghe mãi những ngôn từ của hàng xóm sẽ sinh hư. Vợ chồng chị lại bắt đầu nghĩ đến phương án chuyển nhà.
Nhà anh Vinh ở Long Biên, Hà Nội còn xui xẻo hơn khi gặp phải bà hàng xóm “có họ với Chí Phèo”. Bà này có tật nghiện rượu. Bà ở nhà suốt ngày, uống suốt ngày, mà cứ uống vào là chửi tuốt cả chồng lẫn con. Ông chồng vốn nhịn mãi không chịu được và mỗi lúc như thế, hàng xóm lại được bữa inh tai nhức óc, phải nghe đủ những từ kinh khủng nhất.
Trước, có người đến khuyên can, góp ý nhưng bị bà chửi cho tối tăm mặt mũi nên chẳng ai muốn “dây”. Mỗi lần nhà ấy bắt đầu “nổ” là xung quanh đóng chặt cửa, cố coi như không nghe thấy gì. Nhà anh Vinh ngay liền đó thì vợ chồng con cái kéo nhau về nhà nội hay ra siêu thị chơi.
Ở thành phố đã vậy, ở nông thôn, những nhà không may có láng giềng “thích gây ồn” cũng gặp phiền phức không kém. Cạnh nhà ông Nghiêm (Vũ Thư, Thái Bình) có một đôi vợ chồng mà tuần nào họ không cãi cọ thì cả làng đều ngạc nhiên và sung sướng. Do ít ruộng nên ngoài những lúc mùa vụ, hai vợ chồng chia nhau lên thành phố làm thuê, cứ vợ đi thì chồng ở nhà và ngược lại.
Chỉ những lúc đó, hàng xóm láng giềng mới được hưởng ít ngày bình yên. Còn thời gian họ “đoàn tụ” thì ai nấy bị tra tấn liên miên bởi các cuộc cãi vã chẳng kể ngày đêm, kéo dài từ sáng đến tối, từ tối đến sáng không biết mệt. Lý do cãi nhau thì rất “trời ơi”. Chẳng hạn cô vợ tính sạch sẽ, cứ về đến nhà là mang chăn màn ra giặt giũ, phơi phóng. Anh chồng “ngứa mắt” bình luận vài câu, thế là khẩu chiến.
Có quy định phạt, nhưng ít thực hiện
Theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Công ty luật hợp doanh Đông Nam Á, với hành động gây tiếng ồn từ 22h đến 6h hôm sau, ảnh hưởng đến sinh hoạt của những người xung quanh tùy theo mức độ ảnh hưởng, người “bị hại” có thể giải quyết theo hai cách. Nếu tình trạng bị làm phiền chỉ ở mức độ nhẹ, họ có thể thông báo đến UBND hay công an phường xã để yêu cầu xử lý từ nhắc nhở đến phạt hành chính.
Nếu mức độ nặng hơn như gây thiệt hại đến tài sản hay tổn hại trực tiếp đến sức khỏe như làm mất ngủ, gây ốm bệnh…, thì người bị hại có thể khởi kiện ra tòa án dân sự, nhưng phải có kết quả giám định của cơ quan chức năng để xác định mức độ thiệt hại làm bằng chứng trước tòa.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất hiếm có trường hợp bị xử phạt vì cãi nhau, làm ồn. Nể, sợ phiền, sợ rắc rối nên tuy ức chế, tức giận nhưng các “nạn nhân” chỉ chịu đựng chứ không can thiệp. Thậm chí có trường hợp gọi đại diện cơ quan chức năng đến xử lý nhưng cũng chẳng ăn thua.
Mỗi lần bên hàng xóm bắt đầu “cuộc chiến”, ông Nghiêm lật đật chạy đi báo trưởng thôn và mấy anh dân phòng đến. Nhưng mọi người vừa ra khỏi cổng thì hai vợ chồng lại tiếp tục cãi vã cho… nốt chỗ dở. Bác Nguyễn Văn Phùng, trưởng thôn, cho biết: “Chúng tôi lần nào cũng phải đến khuyên can nhưng chẳng ăn thua gì. Cũng có người bảo phải báo cáo ra Ủy ban xã phạt hành chính vợ chồng họ, nhưng nói thế thôi chứ hàng xóm láng giềng ai làm thế, hơn nữa đây lại là chuyện riêng nhà họ”.
Tương tự, mặc dù chị Điệp và những nhà xung quanh khổ sở vì tiếng cãi nhau bên cạnh nhưng trao đổi với Đất Việt, lãnh đạo phường (thuộc quận Hoàng Mai) cho biết, chưa bao giờ nhận được phản ánh của nhân dân về trường hợp này, do không thấy tổ dân phố báo cáo. Theo ông, để giải quyết vấn đề, trước hết tổ dân phố phải có trách nhiệm hòa giải và nhắc nhở người gây ồn, nếu tình hình vẫn tái diễn, ảnh hưởng tới các gia đình sống xung quanh thì phải báo cáo lên phường để có cách xử lý phù hợp.