Chồng giữ quan điểm chồng, vợ giữ quan điểm vợ, không ai chịu ai cho đến khi đổi từ thuyết phục sang cãi cọ. Mâu thuẫn của “đôi vợ chồng cùng tiến” nảy sinh.
Ảnh minh họa
Họ vốn là hai học sinh xuất sắc yêu nhau và sau đấy là hai sinh viên tốt nghiệp hạng ưu lấy nhau. Vừa kết hôn, cả hai đã khăn gói sang Úc theo học thạc sĩ, học bổng toàn phần. Trong khi học thạc sĩ, cô mang thai và sinh được một bé gái xinh xắn. Gia đình nhỏ của họ ngập tràn hạnh phúc.
Vừa thai nghén, vừa nuôi con nhỏ, nhưng với sự nỗ lực của mình, cô vẫn tốt nghiệp thạc sĩ xuất sắc, đúng hạn và có học bổng học tiếp lên tiến sĩ. Trong khi đó, anh chồng quyết định dừng lại ở học vị thạc sĩ bởi có một công ty Úc có chi nhánh ở Mỹ muốn anh sang đấy làm việc cho họ với mức lương rất tốt.
Mâu thuẫn của “đôi vợ chồng cùng tiến” nảy sinh ngay tại đoạn này.
Mâu thuẫn
Vốn là con trai một, lại ngoan ngoãn học giỏi, là niềm hãnh diện của cả nhà, nên anh quen được cưng chiều, phục vụ từ nhỏ. Chưa bao giờ anh sống một mình và thiếu hẳn những kỹ năng lo cho cuộc sống cá nhân (tóm lại, từ khi lọt lòng đến giờ, bao giờ anh cũng được chăm sóc lo lắng bởi đàn bà, nhỏ thì bà nội, mẹ và chị; lớn thì vợ). Anh yêu cầu vợ cùng theo anh sang Mỹ để chăm lo cho anh và con.
Theo anh, cô có thể ngừng ở học vị thạc sĩ hoặc chờ một thời gian nữa, khi cuộc sống của họ ở Mỹ đã ổn định, con đã lớn hơn, cô có thể trở lại việc học. Cô vợ thì tiếc suất học bổng tiến sĩ nên đề nghị chồng cứ sang Mỹ trước, mình và con gái ở lại Úc, chờ cô học cho đến khi lấy được bằng tiến sĩ, khoảng 2 đến 3 năm, thì gia đình họ sum họp.
Chồng giữ quan điểm chồng, vợ giữ quan điểm vợ, không ai chịu ai cho đến khi đổi từ thuyết phục sang cãi cọ. Anh không ngần ngại bộc lộ quan điểm của một người đàn ông Á Đông vẫn nặng tư tưởng “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Cô vợ cương lại: “Tôi không nghĩ ba mẹ nuôi nấng, chăm chút cho việc học của tôi suốt 23 năm qua và giờ vẫn đau đáu dõi theo việc học của tôi từng ngày, chỉ là để tôi biến mình thành một người đàn bà chỉ biết cơm nước giặt giũ, lấy phục vụ miếng ăn giấc ngủ cho chồng con làm sự nghiệp của đời mình”.
Nghe vậy, anh chồng chốt lại: “Như vậy là cô đã lựa chọn” rồi không tiếp tục cuộc bàn bạc cãi cọ nữa, một mình xách va-li đi Mỹ trong bầu không khí nặng nề. Bữa tiệc chia tay cô vợ tự tay nấu nướng, chuẩn bị để tiễn chồng đi nhưng anh không về dự. Hôm ra sân bay, anh cắm cúi đi vào phòng cách ly mà không quay lại nhìn vợ đang cầm tay con đưa lên vẫy bố. Đến Mỹ, anh không liên lạc về nhà, vợ gọi qua thì chỉ trả lời nhát gừng.
Kiên quyết
Cô vợ liên tục gọi điện về nhà bố mẹ hai bên ở Việt Nam khóc lóc, nói mình không hề lựa chọn gì hết. Cô chỉ muốn có thể chu toàn cả hai, gia đình và việc học của mình, cô không thể hy sinh bên nào. Cô mong anh suy nghĩ bao dung độ lượng hơn, gia đình nhỏ của họ chỉ tạm xa cách một thời gian để rồi sau đó lại sum họp, nghỉ hè và lễ Giáng sinh – năm mới, họ vẫn có thể bay qua bay lại với nhau.
Gia đình bên vợ hết sức chia sẻ và cổ vũ, động viên con gái (họ đã luôn như thế với cô, đặc biệt trong việc phát triển những giá trị bản thân. Họ không cho rằng người vợ nên “xài chung”, vay mượn những giá trị của chồng và sau đó là của con cái). Ngược lại, bên gia đình chồng thì cực lực phản đối, họ yêu cầu cô hoặc là bỏ hết sang Mỹ với chồng, hoặc là “ba mẹ sẽ không có ý kiến gì nếu chồng con nói là nó có người đàn bà khác khi con vẫn cứ ở Úc đuổi theo tấm bằng tiến sĩ”.
Giáng sinh vừa rồi, vợ ôm con bay về Việt Nam ở nhà bố mẹ mình, chồng về Việt Nam ở nhà bố mẹ mình. Hai gia đình ngồi lại với nhau để tìm hướng giải quyết cho “cuộc chiến” của đôi trẻ. Hai bề ba bên giãi bày khuyên nhủ chán chê, người vợ thêm vào những giọt nước mắt, đứa con nhỏ thêm vào những lời bập bẹ bi bô “ba ba, bà bà”, anh chồng chỉ im lặng cúi đầu. Cuối buổi, anh chốt hạ: “Hoặc bỏ học, hoặc bỏ chồng, tùy vợ con quyết định”.
Cô vợ chỉ còn biết khóc òa.
(theo Thanh Niên)