Số là năm ngoái nghĩ tiền mừng tuổi bố mẹ chồng là tiền thơm thảo nên vợ chồng chị Loan quyết định bỏ phong bì mừng tuổi cụ 500.000 đồng để bà vui.
Nào ngờ 2 ngày sau, trong bữa cơm gia đình “vui miệng” má chồng chị kể: “Con Thảo, dâu bà Tám hàng xóm mình nó chỉ đi làm công nhân trên thành phố không biết lương tháng bao nhiêu nhưng chúng nó lì xì cho bà ấy 999.900 đồng. Bảo là lì xì cho mẹ 4 số 9 cho năm mới hên, có vàng. Thấy thế tao nói là con Loan lì xì tao 2 triệu mà tao không khoe thì thôi chứ…”.
Chẳng biết thật hư thế nào và cụ vô tình hay cố ý nhưng chị Loan cũng nhột đến năm nay. Trong khi tết đến vợ chồng chị còn bao nhiêu là khoản để chi: quà cáp họ hàng, lì xì cho đám cháu, tiền tàu xe, phụ tiền chợ trong những ngày tết, rồi tiền sinh hoạt phí cả nhà hậu tết…nào đâu chỉ khoản mừng tuổi nội ngoại. Thêm khoản này rồi xén khoản nào làm chị nhức cả đầu suốt mấy ngày nay. Hỏi ý chồng thế nào thì chồng chị gắt: “Chuyện phụ nữ em cứ tự thu xếp đi. Hỏi anh vụ này sao anh biết?”
Không bị mẹ chồng nhắc khéo kiểu đó nhưng chị Tố Như lại bị mẹ ruột của mình quở suốt mỗi khi bà nhắc đến chuyện tết nhất. Hai năm trước, nghĩ là trong năm mình đã lấy quỹ đen chi cho mẹ nhiều nên đến tết chị biếu tiền tết mẹ chồng và mẹ ruột như nhau.
Đến khi biết con gái “cào bằng” tiền tết với bà sui mới bên kia, mẹ chị than thở: “Sao người ta đẻ con con khôn còn con mình thì… Bà bên kia có đau, có xót, có cho hết cho con như mẹ ruột mình không mà sao con dại thế hử. Không phải tôi tham tiền mà tôi tức cho cái công sanh đẻ của tôi…”.
Mệt mỏi với chuyện trách móc của mẹ chị rút kinh nghiệm là chớ dại nói ra tiền lì xì bên này cho bên kia biết. Hoặc nếu nói thì nên hạ giá xuống cho vừa lòng cả hai cụ.
Không chỉ vậy, các cụ còn đem tiền tết của con Hai so sánh với thằng Ba, thằng Tư…rồi ngậm ngùi để bụng trách móc con cháu không thương mẹ. Cả năm mới có một dịp con cháu tụ họp vui vẻ cả nhà nhưng kiểu so sánh rồi bỏ nhỏ cho con gái biết con dâu đứa này cho bao nhiêu, đứa kia cho bao nhiêu cũng làm nhiều nhà rối lên vì chuyện ấy.
Cũng vì chuyện mừng tuổi cho má chồng mà vợ chồng anh Minh Hùng nhức xương với cả họ. Nghe mẹ ruột kể em dâu thứ mừng tuổi mẹ mình không bằng cô em dâu út, vợ chồng anh bị người chị trách móc: “Vợ chồng cậu khá giả, cả năm chẳng phải về làm dâu, làm con chăm lo cho bà bữa nào. Mà cậu nghĩ xem lúc trước bà lo cho cậu, cho vợ cậu thế nào…trong khi cậu là anh, khá giả hơn thằng út thế mà cũng không làm cho mẹ vui được sao. Mỗi năm chỉ có một ngày tết vợ chồng cậu về thôi mà…”
Chính vì chuyện tiền tết nên nhiều con dâu rất ngại về quê chồng. Thế nhưng dại hay khéo đều tùy thuộc vào bản lĩnh của những người vợ, nhất là những việc liên quan đến tiền bạc càng không thể khinh suất. Điều quan trọng là đừng nên để bụng rồi bảo “Cụ khó, chẳng chiều được” nên chẳng muốn về quê chồng dịp tết hay cãi vã nhau vì chuyện tết với chồng.
Làm tròn trách nhiệm vợ hiền dâu thảo nào đâu chỉ được đánh giá qua việc mừng tuổi mà còn được qua rất nhiều việc có thể lấy điểm bù vào nếu bạn không khéo. Giữ hòa khí yêu thương và cho các cụ thấy tình cảm thật của con cháu, ông bà sẽ hết “hờn giận” để gia đình luôn là nơi đón bước chân quay về của những đứa con mong tết.
Theo N.Lâm
Người lao động