Một bạn gái năm nay 30 tuổi, đã lập gia đình và có một con gái. Theo lời chị ấy thì cuộc hôn nhân có chiều hướng xấu mà lý do chính bởi việc “môn đăng hộ đối”.!
Chị ấy kể rằng gia đình chị và bên chồng không có sự chênh lệch về mức độ giàu nghèo. Hai gia đình đều thuộc thành phần cơ bản, cha mẹ trí thức, con cái đều có trình độ đại học. Thế nhưng sự không hòa hợp ở đây là do quan niệm sống quá khác nhau. Nếu như ở gia đình chị xuề xòa thì gia đình chồng lại kỹ lưỡng và câu nệ.
Ví dụ một hôm, sau khi mẹ chị chuẩn bị cơm nước xong xuôi đâu đó thì cha mẹ có việc đột xuất phải đi khỏi nhà. Mẹ chị sợ về trễ, chó và mèo ở nhà đói nên lấy cơm cho chúng ăn trước. Vậy mà chồng chị lại không đồng ý vì ở nhà anh ấy, không ai có quyền ăn trước cha mẹ và chó mèo càng phải ăn sau. Chỉ một chuyện đó thôi mà nẩy sinh mâu thuẫn.
Nặng nề nhất khi gia đình chồng cho rằng nhà chị quá bình dân (nếu không nói là có tư tưởng “thấp kém”, coi trọng con vật hơn con người, không xứng đáng với gia đình họ). Trong khi đó, gia đình chị lại cho là nhà bên ấy quá câu nệ, phong kiến, cổ lỗ (nếu không nói là có tư tưởng coi khinh vật nuôi, không biết yêu thương loài vật). Tất nhiên, những chuyện như vậy thì phải lấy nhau rồi mới biết thế nào là sự không cân bằng, hài hòa về quan niệm, phong cách sống…
“Cải nảy sảy cái ung”, từ việc bé tí xíu ấy, không chỉ hai bên cha mẹ lồng thêm quan điểm của họ vào để phán xét nhau, mà hai vợ chồng chị ngày càng thấy khác về quan niệm sống. Nếu chị ấy rất yêu vật nuôi trong nhà thì ngược lại, chồng chị cho là gớm ghiếc.
Câu chuyện lên đến cao trào khi chị sinh con đầu lòng. Theo lẽ thường, khi sinh con đầu lòng thì “bà bầu” sẽ về nhà mẹ ruột. Gần đến ngày sinh, chị sẽ xin phép chồng và gia đình chồng, nhưng gia đình chồng không chịu. Theo ý họ, cha mẹ chị phải qua nhà chồng xin cho con gái về nhà mẹ để sau khi sinh nở trong khoảng thời gian bao lâu…
Ba chị vốn nóng tính, biết chuyện ấy nổi sùng: “Cháu bà nội, tội bà ngoại. Bên ấy đáng lý phải qua nhà mình gởi gắm, nhờ chăm sóc con dâu giùm họ, đằng này lại bắt bẻ. Mình thương con, mình nuôi. Không cần những lời khách sáo của gia đình bên ấy”. Thế rồi, lần lượt hai bên thông gia liệt kê những quan điểm sống khác nhau của hai gia đình và trách con cái lúc yêu không tìm hiểu cho kỹ. Khổ một nỗi, chồng chị lại là người tuyệt đối nghe theo lời cha mẹ và thế là mâu thuẫn cứ phát sinh mẫy thuẫn kia..
Có rất nhiều bạn trẻ quan niệm rằng môn đăng hộ đối còn có ý nghĩa phải tương xứng nhau theo thời gian ở thì tương lai trong cuộc sống gia đình nữa. Trong bối cảnh hiện tại, sự phấn đầu không ngừng là điều tất yếu, chỉ cần một người đứng lại là sẽ bị tụt hậu rất nhanh. Nếu hai vợ chồng, một người ra sức học tập, làm việc, nâng cao trình độ, còn người kia giậm chân tại chỗ, không chóng thì chày sẽ bị chênh nhau không những về trình độ, tri thức hiểu biết xã hội mà còn cả về tiền bạc, vị trí xã hội nữa.
Không thể nói cuộc hôn nhân hoàn hảo khi mà người vợ vừa đi làm vừa chăm sóc gia đình mà vẫn có thể lấy được tấm bằng tiến sĩ, trong khi anh chồng hài lòng ở trình độ đại học của mình và lại coi thường mọi thứ, kể cả công sức của vợ.
Ngược lại, khi người chồng suốt đời phấn đấu để có được học vị cao mà người vợ không chịu tự rèn luyện, nâng cao tri thức thì tất nhiên, một ngày nào đó người chồng sẽ nhìn vợ mình như con búp bê bày trong tủ kính. Từ đó, không thể trách cứ người chồng hay vợ tìm đến những người bạn ở bên ngoài, đơn giản chỉ để nói chuyện, hàn thuyên, tâm sự. Khi người trong cuộc nhận ra, chắc chắn mọi thứ đã muộn.
Có thể cuộc hôn nhân của bạn không “môn đăng hộ đối” nhưng quan trọng là chính vì tình yêu, vì con cái mà cả hai đều phải phấn đấu để hòa hợp, để cân bằng và tương xứng. Như thế, “môn đăng hộ đối” đâu chỉ có ý nghĩa ở thời xa xưa, phong kiến?
Theo Bình Anh
Doanh nhân cuối tuần