Nhưng vẫn có cách để ăn tết khỏe, theo chia sẻ của những chị em dưới đây.
Tết, không… ôm sẽ khỏe!
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, bà ngoại tôi dạy: muốn cực thân thì cứ ôm đồm. Vì vậy, muốn khỏe thì chớ ôm đồm. Ngày tết, cái nào cần chị em mới đích thân nhúng tay vào, còn không hãy nhờ dịch vụ. Bây giờ dịch vụ rất nhiều, rất tiện lợi. Dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, chăm sóc cây kiểng… đều có dịch vụ hết. Giảm bớt những công việc đó để dành thời gian cho việc khác: chăm sóc bản thân mình chẳng hạn. Nếu muốn đi mua hoa ngày tết chỉ nên chọn tượng trưng vài chậu. Mua hoa thì cứ nhằm giờ trưa mà đi sẽ vắng người, tha hồ chọn mà không phải giành giật.
Còn việc đi chúc tết cứ liệt kê danh sách những người cần đi chúc và ghi chú rõ đường đến nhà họ. Chọn lộ trình thông minh, khởi hành sớm, như vậy sẽ bớt mệt mỏi, nắng nôi, bụi bặm…
Nhờ chồng
Ngày thường chồng tôi thường lấy lý do công việc bận rộn, đi sớm về muộn, ổng chẳng bao giờ mó tay vào bất cứ việc gì giúp vợ.
Nhìn ông xã lạch bạch mang cái bụng “lùm lùm” chạy tới chạy lui, lăng xăng chỗ này chỗ nọ trông thật buồn cười nhưng cũng thật dễ thương! Sẵn dịp vợ cà khịa: “Phải chi ngày nào anh cũng ráng phụ việc nhà với em thì bụng anh đâu có giống… mấy tháng vậy!”, chồng trợn mắt nhưng phì cười ngay: “Tính gài độ tui hả, chị hai!”…
* Cô TRỊNH THỊ MAI LAM (giáo viên nghỉ hưu): Nghỉ tết chứ không phải… ăn tết! Cái chính là gia đình phải quán triệt từ đầu: nghỉ tết chứ không phải ăn tết, để bớt mất sức cho mấy chuyện mua sắm, nấu nướng… Xác định thế nên chuyện dọn dẹp tôi làm dần chứ không dồn việc. Con cái lớn rồi nên có thể chia việc cho chúng cùng làm. Mua sắm thì viết ra giấy những thứ cần thiết và đi siêu thị mua dần chứ không khuân về một lúc. Nhà tôi chỉ cúng gia tiên mỗi ngày một lần từ 30 đến sáng mồng 3 tết. Cả nhà còn có cái lệ là chiều mồng 3 vợ chồng con cháu rủ nhau đi Vũng Tàu tắm biển, thư giãn để sau đó ai vào việc nấy, bắt đầu một năm mới. * Chị NGUYỄN THỊ HIỆP (thợ may, Đồng Nai): Sắm sửa chi nhiều cho mệt! Có một cái tết ngày 30 tôi… ngồi khóc vì may đồ cho người ta mà mình không có được bộ đồ mới mặc đi chúc tết. Năm nay tôi không như vậy nữa. Đồ cả nhà tôi may từ đầu tháng 10 âm lịch, sau đó mới may cho khách. Cuối năm bận rộn phải may cả ban đêm nên việc nhà tôi nhờ chồng giúp. Bánh chưng, bánh tét thì tôi cùng 3-4 hộ trong xóm nấu chung. Vừa tiện vừa vui! Tôi cũng tranh thủ trời nắng làm vài hũ dưa món, củ kiệu, dưa hành. Làm thế vừa ngon, hợp khẩu vị và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó, tết chỉ cần vậy thôi là trọn vẹn rồi. Quan trọng là không khí gia đình thật đầm ấm, thật vui! * Anh PHẠM XUÂN NGỢI (tổng thư ký báo Bình Dương): Phụ vợ để biết nhiều thứ! Đã thành thông lệ mười mấy năm nay kể từ ngày cưới vợ, chuyện dọn nhà đón tết do tôi đảm nhiệm. Quanh năm bận rộn, việc nhà khoán hết cho bà xã. Nhưng tết là phải khác. Phải phụ vợ để biết được nhiều điều, biết vợ mình quanh năm vất vả với việc làm nội tướng, biết vợ vui ra sao khi mình ra tay “nghĩa hiệp”. Tự làm còn… ghi điểm với vợ nữa chứ. Năm nào cũng khoảng rằm tháng chạp, tranh thủ những ngày nghỉ tôi bắt đầu dọn nhà. Đầu tiên là sắp xếp lại vườn cây cảnh, lặt lá mai. Việc tiếp theo là tháo và gắn rèm cửa vì phần giặt đã có máy giặt! Hàng rào, cổng nhà, cửa nẻo thấy cũ thì tôi mua sơn tự sơn luôn. Năm nay lịch lau cửa, dọn nhà vào thứ bảy vừa rồi, tức 16 tháng chạp. Biết sẽ có… độ nhậu nên tôi quyết tâm tắt điện thoại di động từ sáng sớm. Tối mở máy ra thì đúng là có nhiều tin nhắn gọi… nhậu tất niên thật! Dọn nhà xong thì tới chăm chút bể cá cảnh. Thấy thích con cá nào, mua thêm cho bể cá nhiều loại hơn. Gần tết tôi đi chợ hoa mua thêm hai chậu mai, hai chậu hoa sống đời và hai chậu vạn thọ! Thế là coi như việc dọn nhà đón tết hoàn tất. QUỲNH NHƯ thực hiện |
(theo Tuổi trẻ)