Chưa hết bất ngờ, tôi lại nghe tiếng anh liến thoắng dẫn chương trình bằng giọng Huế khá chuẩn mà tôi chưa bao giờ nghe anh nói. Rồi anh cùng với hai đồng nghiệp khác diễn một tiết mục hài tự biên tự diễn về Kế hoạch hóa gia đình. Anh đứng trên sân khấu mồm năm miệng mười. Đồng nghiệp của anh vừa vỗ tay, vừa cười nghiêng ngả, đến những người phục vụ cũng không nhịn được cười. Tôi lại một phen ngạc nhiên, vì ở nhà anh rất ít nói, nghiêm nghị, chẳng bao giờ pha trò. Vậy mà, theo những đồng nghiệp của anh đang ngồi chung bàn với tôi thì “anh là một cây hài” của cơ quan, những chương trình “ăn chơi nhảy múa” của cơ quan anh đều làm đầu tàu.
Với gia đình, anh thường xuyên đi làm về muộn. Chúng tôi chỉ gặp nhau trong bữa cơm tối, nói dăm ba câu rồi mỗi người ôm máy tính làm việc của mình, không hề có cảnh chuyện trò vui vẻ, tràn ngập tiếng cười như mọi người thường nói về các gia đình có đủ vợ chồng, con cái. Càng nhìn anh pha trò, tôi lại nhận ra một điều, có lẽ gia đình và tôi không mang đến cho anh sự hứng khởi, niềm vui và lâu nay, anh về nhà (dù trễ) chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của một người chồng, người cha. Thú thật, chính tôi cũng vậy. Bận rộn với công việc của một người đứng đầu công ty, tôi lo chuyện lời lỗ, chiến lược kinh doanh, tìm kiếm đối tác nhiều hơn là nghĩ đến việc chồng về nhà trễ, hay dành thời gian chuyện trò, chăm sóc chồng. Phải chăng vì vậy mà anh đi tìm niềm vui ở bên ngoài và anh cũng trả lại cho người ngoài niềm vui bằng những gì mà tôi hoàn toàn không biết. Có lẽ, tôi cũng có phần lỗi vì đã không tạo nên hoặc ít ra cũng góp phần tạo nên lực hút gia đình để kéo chồng về nhà sớm, để gia đình phải là nơi anh thể hiện, cống hiến khả năng đặc biệt của mình.
Vừa thấy mình có lỗi và cũng vừa tự ái, tôi quyết định làm một số trắc nghiệm nho nhỏ với chồng ngay sau buổi tiệc kết thúc. Tôi tỏ ra ngưỡng mộ: “Đến hôm nay em mới biết chồng em có năng khiếu hài. Anh làm mọi người cười quá trời. Em cười muốn đau bụng đây!”. Vậy là anh quay sang tôi, hếch mặt lên và nháy mắt trông rất hài: “Anh có nhiều tài mà em chưa biết đâu!”. Tôi trêu: “Nổ quá chồng ơi!”. Lâu lắm rồi chúng tôi mới cùng nhìn nhau cười một cách sảng khoái, vui vẻ như thế.
Hôm sau, tôi gọi anh ăn cơm bằng giọng Huế đã nghe anh nói hôm tất niên: “Chồng ơi! Chừ ăn cơm nghe!”. Thật bất ngờ, anh đứng lên ngay (bình thường là em cứ ăn trước đi, chút anh ăn) trả lời bằng giọng đặc sệt… Quảng Nam “Chồng roa liền đê”. Chúng tôi lại cười và bữa cơm không còn im lặng như thường lệ. Tự dưng anh và tôi có đủ chuyện để nói: con cái, chuyện hàng xóm… thậm chí cả chuyện con của cô em chồng mới tập nói.
Đã 10 ngày qua, anh về sớm so với trước hơn một tiếng đồng hồ và giao tiếp giữa chúng tôi không còn bị nghẽn mạch nữa. Anh bắt đầu tự tin bộc lộ “máu” hài ở nhà: kể chuyện tiếu lâm, đi kiểu Sạc-lô… Tôi nghĩ, đó là một tín hiệu đáng mừng và tin rằng sự thay đổi của chúng tôi sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực, giúp gia đình vui vẻ, gắn bó với nhau hơn.
Đỗ Thùy Trang
Theo Phụ nữ