Thái độ của người mẹ ảnh hưởng rất lớn tới người con
6 câu hỏi quan trọng
Dưới đây là những câu hỏi bạn cần trả lời để biết rằng có đúng là con bạn có đang bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng của bạn về trọng lượng của cơ thể hay không:
- Bạn có cân trọng lượng cơ thể mình trước mặt trẻ nhiều hơn 1 lần/tháng? - Khi gia đình cùng ăn uống, bạn có xu hướng ăn cho xong hơn là thích thú ăn uống cùng cả nhà? - Luyện tập có được ưu tiên so với các hoạt động khác trong cuộc sống của bạn? - Bạn nói trước mặt con mình về chế độ ăn kiêng, chú ý tới cân nặng, giảm cân hoặc bạn nghĩ rằng mình đang béo lên như thế nào? (Bạn cần hỏi ai đó để có câu trả lời khách quan cho câu hỏi này) - Bạn luôn không hài lòng với các bộ trang phục khi mặc lên người và bạn công khai thể hiện rõ điều này? - Bạn có nói chán ghét cho cơ thể mình trước mặt trẻ? |
Nếu câu trả lời là có cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên thì bạn có thể đang ngầm gửi tới trẻ thông điệp rằng bạn không hài lòng với cơ thể và sự nỗ lực của bạn chưa mang lại kết quả gì. Điều này sẽ hướng trẻ tới 1 thông điệp rất rõ rằng: “Hài lòng với cơ thể là một cuộc đấu tranh tốn kém vì để đạt được vóc dáng thon thả, cơ thể khỏe mạnh là rất khó khăn (thậm chí là không thể)”.
Bạn gửi cho con thông điệp gì?
Hành vi của bạn cũng sẽ cho trẻ thấy rằng bạn sợ thừa cân và rằng bạn đang quá sức cho các hoạt động luyện tập, giảm cân, bị ám ảnh phải giữ cân và sợ leo lên cân kiểm tra cân nặng… Đối với một đứa trẻ thừa cân, điều này sẽ khiến chúng nghĩ rằng mẹ ghét mình vì mẹ sợ béo và sẽ làm mọi thứ để không bị tăng cân. Suy nghĩ này sẽ làm tổn thương trẻ.
Giải pháp
Thay vì để cho nỗi sợ hãi xâm chiếm mình, hãy cô lập nó bằng cách hít một hơi thật sâu và nhận ra rằng bé sẽ học được những thói quen khỏe mạnh và những kỹ năng cần phải có một thời gian dài mới có thể thuần thục. Bằng cách tuân theo những bước dưới đây, bạn sẽ thấy rằng nỗi sợ sẽ biến mất một cách tự nhiên bởi bạn hoạt động tích cực và hướng tới trẻ.
Dưới đây là 3 bước đơn giản:
1. Tránh không leo lên cân để kiểm tra trọng lượng trước mặt trẻ. Hãy giấu cân thật kỹ để chính trẻ cũng không thể kiểm tra cân nặng của bản thân. Điều này đặc biệt quan trọng khi con bạn bước vào tuổi dậy thì hoặc trong độ tuổi thanh thiếu niên. Đây là lứa tuổi, đặc biệt là các bé gái rất dễ bị rối loạn ăn uống.
2. Đừng nói những lời bi quan, tiêu cực về cơ thể mình như khi thấy mình trong gương sau khi mặc một bộ trang phục mới; không được tỏ ra nghi ngờ bản thân trước mặt trẻ.
3. Cố gắng ăn uống và luyện tập vừa phải. Nếu điều này là một cuộc chiến thực sự đối với bạn thì hãy cố gắng đừng để lộ ra cho trẻ biết. Trẻ cần thấy bạn ăn uống bình thường hơn là ăn rất nhiều hoặc bỏ bữa, luyện tập thường xuyên chứ không phải lúc tập lúc không.
Nhân Hà (theo CJ)
(theo dantri)