Hồi ấy, Na, cô chị suốt ngày khóc lóc, tức tưởi “sao mẹ lúc nào cũng bênh em thế, mẹ chẳng thương con gì cả”. Nhiều lúc nó chẳng nói chẳng rằng, mặt hằm hằm rồi chạy thẳng đến chỗ cu Bin cấu vào mặt em.
Nghĩ nhiều lúc cũng tội nghiệp con bé, mẹ cứ nghĩ nó lớn rồi nên ít chăm lo, ít quan tâm như trước mà dồn hết trí lực vào cu Bin. Cu Bin bé lại là con trai nữa nên dù gì cũng được mẹ cưng chiều hơn. Càng như vậy, Na càng tỏ ra ghen tị, nó không chịu chơi với em, mẹ mua đồ ăn về là nó tranh giành lấy, đồ chơi cũng cất riêng không chịu chia sẻ cho em, cứ thằng bé đòi chơi là nó lại đứng chắp tay rồi quát, thậm chí còn đánh cả vào mặt em. Nhiều lần như vậy, chị quát mắng Na càng tỏ ra giận giữ, dỗi và khóc một mình. Chắc con bé buồn lắm.
Có lẽ chị đã quên mất bé Na thật. Chị nghĩ lại và chị đã đến bên Na, tâm sự với con bé nhiều hơn, chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc để bé Na không cảm thấy mình như một người xa lạ với mẹ, mẹ vẫn yêu bé Na như ngày nào.
Chị cũng kể chuyện ngày xưa chăm sóc bé Na, vì bé Na là con đầu lòng, lại hơi yếu nên mẹ phải thường xuyên thức đêm bế Na ngủ, có món nào ngon mẹ nhường cho bé Na đầu tiên, đồ chơi mẹ mua chỉ có bé Na chơi không ai tranh giành cả.
Chị cũng không áp đặt Na phải nhường nhịn cho em, thay vào đó chị cố gắng khuyến khích và khen ngợi khi Na có cử chỉ chăm em, chia sẻ đồ chơi với em. Thỉnh thoảng có bánh kẹo gì chị thường chia đều cho cả hai, nhưng cu Bin chỉ nghịch chứ không ăn nên nhường cho chị.
Trước kia chị hay đánh và mắng Na lắm, nhưng giờ chị chỉ giảng giải cho Na hiểu hành động trêu em, để em khóc và đánh em là những hành động xấu, không ra dáng một người chị gương mẫu. Dần dần Na cũng biết và không mắng em nữa, Na thấy vui khi có em chơi cùng, thấy vui khi được chăm sóc và nhường nhịn cho em.
Bây giờ, nhìn hai đứa con xinh xắn, dễ thương ngồi chơi thật ngoan ngoãn với nhau chị thấy rất mừng phần vì con mình đã biết yêu thương nhau phần vì bản thân chị cũng học được một bài học làm mẹ rất hiệu quả.
(Theo Eva)