Sau Tết, các gia đình có con nhỏ ’mong’ oshin nhất. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Từ hôm mùng 6 Tết đến giờ, chị Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chạy đôn đáo, gọi điện khắp nơi nhờ tìm người giúp việc nhà và trông con mà không được. Trước đây, chị có một cô bé giúp việc 16 tuổi, tuy hơi vụng về nhưng thật thà, ngoan ngoãn. Tết, cô bé xin về quê từ hôm 25 tháng Chạp, chị đã chu đáo mua quà gửi về cho gia đình, rồi sắm cho một bộ quần áo thật đẹp, còn dặn mùng 6 nhớ ra sớm cô chú mừng tuổi.
Vậy mà, ngay tối mùng 5, chị nhận được điện thoại: “Cháu không ra nữa đâu, người quen đã xin cho cháu đi làm ở nhà hàng rồi. Cô chú tìm người khác nhé”. Từ lúc đó, chị Hòa cuống cuồng lo tìm người nhưng chỗ nào cũng hẹn phải sau rằm tháng giêng mới có. Bí quá, chị lên các diễn đàn phụ nữ kêu gọi trợ giúp.
“Hôm qua mình đã phải nghỉ làm để ở nhà trông con rồi. Làm sao mà nghỉ cả tuần nữa để đợi người giúp việc được”, chị Hòa than thở.
Cùng cảnh ngộ này, cả gia đình chị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) nháo nhác vì không tìm được người giúp việc. Hai vợ chồng cùng là bác sĩ, ông bà nội ngoại thì ở tỉnh xa. Trước đây, vợ chồng chị Mai cố gắng tự thu xếp việc nhà, gửi cô con gái 4 tuổi đến trường mầm non. Nhưng từ khi sinh bé thứ hai, chị Mai rối tung vì không thể vừa chăm sóc hai con, vừa làm việc nhà, trong khi người vẫn còn yếu, mệt. Trong Tết, anh chị đã nhờ bố mẹ ở quê tìm giúp một bác giúp việc nhưng họ khăng khăng phải ở nhà cấy hái, hết tháng giêng mới ra.
“Hai vợ chồng đều mệt nhoài và cáu vì quá tải với một đống việc. Sáng chồng phải dậy lo cho con lớn ăn rồi chở nó đi học, xong mới đi làm. Mình thì đêm mất ngủ, ngày chỉ mỗi việc lo cho đứa nhỏ 3 tháng đã thấy quá oải rồi, không còn hơi sức đâu mà dọn dẹp nhà cửa, rồi giặt giũ”, chị Mai kể.
Cũng như mọi năm, sau Tết luôn là thời điểm các gia đình khó khăn trong việc tìm người giúp việc. Anh Hoàng Văn Chỉnh, nhân viên tư vấn bộ phận cung cấp người giúp việc cho gia đình của Công ty Cổ phần TDC (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ mùng 5 Tết đến nay, mỗi ngày, anh nhận được 15-20 cuộc gọi nhờ tìm giúp oshin. 3 nhân viên tư vấn khác trong công ty anh cũng bận rộn không kém.
“Mặc dù biết trước ra Tết bao giờ nhu cầu tìm người giúp việc cũng đông hơn nên chúng tôi đã chuẩn bị liên hệ tìm người ở các địa phương từ trong Tết, thế nhưng hiện tại công ty vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu, chỉ có thể ưu tiên cho những trường hợp cần kíp hơn”, anh Chỉnh nói.
Theo lời anh, trong số khách hàng cần người giúp việc thì nhu cầu chủ yếu và cấp thiết nhất là tìm người trông em bé, sau đó dọn dẹp nhà cửa. Đa số họ đều mong tìm được người ngay để có thể yên tâm đi làm lại sau Tết nhưng thực tế, tình trạng khan hiếm oshin sẽ còn kéo dài, ít nhất đến hết rằm tháng giêng.
Thực hiện dịch vụ cung cấp người giúp việc đã được gần 10 năm, Trung tâm Hướng Thiện (phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội) đã làm việc tất bật từ sau mùng 4 Tết. Bà Nguyễn Thị Bích Lợi, Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi ngày các nhân viên ở đây tiếp nhận 50-60 khách hàng đến và gọi điện nhờ tìm giúp Oshin. Có lúc 4 máy điện thoại của trung tâm cùng reo, các nhân viên trả lời không kịp. Nhiều khách hàng cần gấp phải đi lại hàng chục lần tới trung tâm nhưng cũng chưa nhận được người.
“Người cần thì đông mà người đi làm lại ít nên thời điểm này, chúng tôi chỉ có thể ưu tiên cho khách quen, không thể tìm đủ người để giới thiệu được”, bà Lợi nói.
Theo bà Lợi, thông thường sau Tết, lao động còn nán lại địa phương để lo mùa vụ hoặc chơi cho hết rằm. Một số khác lại coi đây là cơ hội để tìm công việc khác hay chủ mới để được đối xử tốt hơn và có mức lương cao hơn. Bởi thế, chuyện “khát” Oshin năm nào cũng xảy ra.
Cũng vì điều này mà thường đầu năm, mức lương trả cho người giúp việc cũng tăng lên. Hiện nay, lương trung bình của người giúp việc khoảng 2 triệu đồng một người mỗi tháng. Ngoài ra, muốn nhận oshin, gia đình phải trả phí giới thiệu là 600 nghìn đồng.
Theo bà Lợi, nhu cầu cần người giúp việc ở các gia đình thành thị tăng lên rất nhanh. Không chỉ ở những nhà có con nhỏ, neo người, mà ngay cả một số cặp vợ chồng son thu nhập cao, không thích hay không đủ thời gian làm việc nhà cũng cần người giúp việc. Trong khi đó, số lao động làm nghề này chủ yếu đến từ các vùng nông thôn lại không tăng là bao.
Vương Linh
(theo vnexpress)