Là người trong cuộc, tôi rất thấm thía những bức xúc căng thẳng trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Trong những năm đầu làm dâu, dù đã đọc nhiều sách vở, chuẩn bị tâm lý kỹ càng, nhưng tôi thấy mình bị hủy hoại không những tinh thần mà cả thể xác.
Hai vợ chồng đều là giảng viên, có học thức, gia đình hai bên đều nề nếp, chuẩn mực trong con mắt của bà con hàng xóm. Điều đó chỉ làm cho các nỗi đau bị dồn nén, không biết giải tỏa cùng ai. Càng nhẫn nhục chịu đựng, càng cảm thấy sa lầy, căng thẳng.
Trong cuộc chiến này (tạm cho là như vậy, vì thực ra các chuẩn mực đạo đức không cho tôi cơ hội “chiến đấu”, chỉ lặng im cam chịu), nạn nhân chính đúng là người chồng, người con trai. Không biết trong con mắt người mẹ, anh trở nên thế nào, còn trong mắt tôi, anh ngày càng trở nên yếu đuối, không chính kiến, nhạt nhẽo, khác hẳn hình ảnh mạnh mẽ, đầy tình yêu và tinh tế lúc còn yêu nhau.
Mỗi câu nói ác ý của mẹ chồng không làm tôi đau đớn nữa, tôi chỉ thầm nghĩ: “Không biết mẹ có biết rằng, ngay từ lúc lựa chọn cuộc chiến này mẹ đã thất bại ngay từ đầu. Mẹ thương dâu, mẹ sẽ có thêm một người con gái, những đứa cháu ngoan. Mẹ ghét dâu, mẹ không những đánh mất một người con gái chăm mẹ lúc ốm đau, xa rời những đứa cháu ngoan, mà có thể cả con trai của mẹ nữa. Không phải anh quay lưng với mẹ, nhưng dù bên mẹ, anh cũng không thể sống thực như chính mình nữa”.
Tôi thiết nghĩ mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bản chất vốn căng thẳng do những tàn tích lịch sử để lại, do những quan niệm phong kiến đè nặng. Ngày nay lại càng trở nên căng thẳng hơn khi những quan điểm bảo thủ xung đột với xu hướng hiện đại. Người con dâu thuộc về thế hệ thanh niên mới, năng động hơn, học thức ngày càng cao hơn, tham gia nhiều hơn, sâu rộng hơn vào các mối quan hệ xã hội. Họ ngày càng trở nên ít phụ thuộc người chồng về kinh tế, trí tuệ và cả tình cảm, có thể nói họ đang ngày càng đạt được sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, nên khó có thể cam chịu những “áp bức” từ một mối quan hệ bắc cầu.
Hỡi những người mẹ chồng, hãy cho đi, mẹ sẽ nhận được thật nhiều. Chúng con về với mẹ đều non nớt, bỡ ngỡ. Chúng con cần lắm tình thương chân thành của mẹ, dù gai góc xù xì chúng con vẫn nhận ra. Thời gian trôi qua, mẹ ngày càng lớn tuổi, chúng con ngày càng trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống, các cháu của mẹ sẽ lớn lên, có ý thức, có cảm nhận về mối chân tình bà dành cho mẹ chúng để cảm thấy biết ơn bà hơn, yêu bà nhiều hơn “một nghĩa vụ, một bổn phận”.
Từ những cảm nghĩ như vậy, tôi thấy mình sống thoải mái hơn, mạnh mẽ tự tin hơn, hạnh phúc hơn, hoàn toàn “miễn dịch” từ những chỉ trích của mẹ. Có lẽ từ thái độ sống tích cực như thế đã khiến mẹ chồng tôi cảm thấy “ngại” tôi hơn, mẹ không còn chê bai, dè bỉu, so sánh hay tìm cách can thiệp vào cuộc sống của tôi nữa. Chồng tôi cũng không còn sợ sệt nhắc chừng tôi “mẹ thích/không thích cái này, bố thích/không thích cái kia, em gái thích/không thích cái nọ”, khi tôi vui vẻ trả lời anh: “Anh à, chỉ những người thực sự hạnh phúc mới đem được hạnh phúc đến cho người khác. Em chắc chưa bao giờ cả nhà biết em thích gì và không thích gì. Chúng ta đừng tưởng hy sinh hạnh phúc bản thân, đánh mất chính mình là một cách đem lại hạnh phúc cho người khác”.
Từ đó tôi thấy mẹ chồng và cả chồng tôi nữa đã dần dần học cách chung sống hòa bình với một thành viên mới trong gia đình, tôn trọng tôi hơn vì tôi đã biết tôn trọng chính mình. Tôi biết giờ mẹ tôi rất thương tôi, rất muốn tôi thương cụ, rất muốn chưa từng xảy ra những ngày tháng đã qua. Có lẽ thời gian sẽ san lấp dần hố sâu mẹ đã tự đào lên.
Vài dòng tâm sự chia sẻ, mong rằng các chị tìm thấy những cảm nhận giống tôi. Tự tìm ra những giá trị đích thực của bản thân, để cảm thấy tôn trọng mình hơn, tự tin hơn, thương mẹ chồng hơn. Mọi lời chì tiếng bấc trong gia đình bỗng trở thành sự yếu đuối của người mẹ đang “vùng vẫy” tìm cách hạ thấp vai trò thế hệ phụ nữ mới năng động hơn, níu kéo những giá trị cổ hũ của tàn dư phong kiến. Dù “quay cuồng” thế nào thì các nàng dâu vẫn là người chiến thắng.
(theo Vnexpress)