Liên giải thích với chồng: “Ngày trước, bà nội em đón thọ. Mẹ em mua biếu cụ áo dài và dây chuyền ngọc trai màu xanh, cụ thích lắm. Đi đâu cũng khoe của con dâu tặng”. Cho nên, Liên muốn áp dụng “vụ” này để lấy lòng mẹ chồng. Nhưng anh chồng thì khăng khăng: “Mua cái gì có lợi cho sức khỏe”. Chẳng ai nhường ai, thành ra, vợ chồng lại cãi nhau.
Cùng cảnh với Liên, Quỳnh đau đầu vì vừa lo quà Tết, vừa lo quà mừng thọ cho bố chồng vào mùng 6 Tết. Anh xã nhà Quỳnh chỉ thích mua cây cảnh hay cá cảnh biếu cụ (vì cụ có sở thích như thế). Còn Quỳnh thì thấy, biếu cá cảnh cho bố chồng thì cứ làm sao. Chẳng may mang về, đám cá đó bị chết thì thành ra… bất hiếu. Còn cây cảnh thì ở dưới quê, bố chồng có cả vườn, tội gì mà mua nữa. Quỳnh định mua sữa dành cho người già, trà thảo dược và cao dán chống mỏi lưng biếu cụ nhưng chồng không đồng ý. Anh bảo, ở quê, mấy thứ đó, các cụ không thích dùng. Tham khảo ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp nhưng Quỳnh vẫn chưa tìm được quà ưng ý. Cụ bà thì có thể mua quần áo, trang sức chứ cụ ông thì hơi khó. Bố mẹ chồng vẫn còn trẻ nên Trang (Hải Phòng) lại đau đầu lo quà mừng 80 tuổi cho cụ nội bên nhà chồng. Chồng Trang thích mua trướng, vừa đơn giản lại hợp với truyền thống. Ở quê, người ta toàn làm thế. Trang không ưng vì cho là, trướng thì quá bình thường. Cô muốn mua chữ thọ, dát vàng, lồng trong khung kính có giá 3,2 triệu đồng biếu cụ. Tuy nhiên, chồng Tranh lại cho là “vẽ chuyện”, tốn kém. Tết đến, vợ chồng có bao khoản phải chi: quà cáp hai họ, tiền tàu xe về quê, tiền mừng tuổi cho các cháu, rồi tiền sinh hoạt phí cho bản thân… Thêm khoản này lại phải xén khoản nào. Trang thì bảo chồng “ki”, khéo thu vén thì vẫn được. Trang định nhờ đặt hàng từ trước Tết nhưng chồng vẫn “hậm hực” nên chưa dám. Vợ chồng “lục đục” vì quà cáp thì ăn Tết mất vui. Gợi ý cách chọn quà Chuyện quà cáp mừng thọ ông bà (bố mẹ) có thể nảy sinh bất đồng. Đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm những ngày giáp Tết, vợ chồng đang rối lên với chuyện Tết nhất. Nếu không khéo léo và thông cảm dễ gây căng thẳng. Điều quan trọng là tùy vào điều kiện kinh tế của bản thân, hoàn cảnh gia đình các cụ mà chọn quà cho khéo. Tránh vợ muốn một đằng, chồng thích một nẻo. Sau đó, ai cũng cho ý kiến của mình là đúng, là hay. Với mỗi một ý tưởng, thử ghi chú ra giấy. Tiếp đến, ước tính giá cả, địa điểm mua, công vận chuyển, ưu và khuyết điểm khác của món quà. Cuối cùng, sẽ chọn được món quà vừa ý nhất. Cũng tránh vợ thì quá “phóng khoáng” với quà, chồng lại tiếc rẻ và ngược lại. Nếu không tính khéo thì túi tiền sắm Tết của vợ chồng sẽ bị lõm bởi khoản quà. Khi đó, vợ chồng lại phải căng đầu cân đối chi tiêu. Không cân bằng được thì dằn vặt, oán trách nhau làm không khí Tết mất vui. Làm tròn trách nhiệm dâu thảo, cháu hiền đâu chỉ đánh giá qua việc mừng thọ, mà còn liên quan đến nhiều việc khác. Chung tay tổ chức lễ mừng thọ, cư xử lễ phép, giữ đúng đạo làm con – làm cháu mới là món quà ý nghĩa nhất.
(theo Mẹ và Bé)