Không nên trách móc hay mỉa mai con và thường nói những câu như: “Sao dốt thế, không bằng con nhà A, học lúc nhớ lúc quên, nói lung tung”…
Điều quan trọng nhất là bố mẹ hãy luôn tin tưởng rằng bé con của mình rất thông minh. Bởi vì bé nào cũng có khả năng học tập tốt hơn người lớn.
Nhiều nghiên cứu đã cho biết rằng đối với bé, việc học nói là việc khó nhất. Khi trẻ đã biết nói, việc học những điều khác trong cuộc sống và trong nhà trường chỉ là chuyện nhỏ. Điều quan trọng là bố mẹ phải tạo được môi trường, điều kiện và cách dạy bé học như thế nào.
Thái độ của bố mẹ trong việc dạy con học và thái độ trước kết quả học tập của con là rất quan trọng. Không nên trách móc hay mỉa mai con và thường nói những câu như: Sao dốt thế, không bằng con nhà A, học lúc nhớ lúc quên, nói lung tung…
Khi dạy con học hoặc dạy con làm bất cứ một việc gì, nếu bé chưa hiểu hoặc bộc lộ sai lầm thì bố mẹ nên “chỉnh sửa” một cách khéo léo, không được làm trẻ mất hứng.
Ví dụ, nếu con có đọc sai, mẹ không nên bảo: “Mẹ dạy bao nhiêu lần rồi mà không biết à”. Hãy thay vào đó bằng một câu nhẹ nhàng hơn: “Con thử đọc lại lần nữa xem nào. Chắc chắn là con đọc được. Con giỏi lắm…”. Như thế, bé sẽ rất thích thú và cảm thấy mình được tôn trọng. Chắc chắn, bé sẽ quyết tâm đọc được để khỏi “phụ công” mẹ khen.
Không nên mắng bé những câu như: Không thể chịu nổi con… (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Dù kết quả học tập của con thế nào, bố mẹ không nên vin vào đó để mắng con. Vì kết quả học tập đó đã phản ánh một phần sự quan tâm dạy dỗ của bố mẹ đối với con cái.
Bố mẹ hãy luôn nhớ rằng không có bất cứ một người nào hoàn hảo và bé cũng vậy. Bé cũng có những nhược điểm, khuyết điểm giống như bố mẹ thôi. Vì thế, không nên phê bình trước mặt bé những câu như: Dốt thế, ngu thế, không thể nhớ được, không thể yên lặng được, không thể chịu được con... Điều đó sẽ làm bé càng thêm phần nhút nhát, tự ti.
Thầy cô giáo và bố mẹ không nên thể hiện tâm trạng lo lắng về kết quả học tập hay bàn luận để bé nghe thấy như: Cháu không trả lời được câu hỏi, Cháu không biết vẽ, cháu đọc chưa sõi…
Bé rất nhạy cảm, ý thức ngay được sự lo lắng của bố mẹ và sự không hài lòng của thầy cô. Kết quả, bé sẽ cảm thấy lo sợ và ngày càng thu mình vào vỏ bọc tự tạo.
Bảo Châu (tổng hợp)
(theo afamily)