Chị N. Hà có con gái năm nay đã học lớp 10 nhưng mỗi sáng trước khi con đi học, chị đều phải pha sữa cho con uống và nhắc nhở con nhớ rửa ly sau khi uống xong. Thế nhưng, hầu như lần nào con gái uống sữa xong cũng để ly trên bàn cho kiến bu đầy.
Rèn luyện từ bé
Chuyện rất nhỏ nhưng ngày nào cũng vậy nên chị rất bực mình. Thế là chị cương quyết “canh me” sau mỗi lần con uống sữa xong là đứng cạnh bên quát bảo con đem ly đi rửa ngay lập tức.
Nhìn con phụng phịu đem ly đi rửa một cách miễn cưỡng, đôi khi chị cũng băn khoăn không biết mình có quá độc đoán trong cách dạy con hay không. Điều làm chị buồn nhất là tại sao chỉ một chuyện nhỏ như vậy nhưng con chị không biết tự giác làm mà để mẹ phải nhắc nhở quá nhiều lần như thế?
Anh H.Minh có 2 con, một gái 14 tuổi và một trai 10 tuổi. Hai đứa trẻ rất mê đọc truyện tranh và lười học bài. Dù đã lớn nhưng các con anh chưa bao giờ tự ý cầm cây chổi quét nhà, đừng nói đến những chuyện khác như rửa chén, phơi đồ… Mỗi lần muốn con làm, anh đều phải “ra lệnh”.
Có lần nói chuyện với các con, anh hỏi tại sao các con thấy nhà dơ mà không dọn, con gái anh trả lời hồn nhiên: “Con có thấy nhà dơ gì đâu? Nhà mình lúc nào chẳng vậy? Còn quần áo thì để đâu cũng được, khi cần thì đi tìm chứ cần gì ba phải quá ngăn nắp chi cho cực khổ”.
Một phụ huynh trao đổi tại buổi tọa đàm “Dạy con tính tự giác: Bước đầu làm chủ bản thân”
Tại buổi tọa đàm “Dạy con tính tự giác: Bước đầu làm chủ bản thân” do Trường Quản trị cuộc đời LiMA – một thành viên của Tổ chức Giáo dục PACE – tổ chức mới đây, TS tâm lý Trần Thị Giồng cho rằng: “Ngay từ bé, đứa trẻ cần phải được rèn luyện tính tự giác. Tự giác học tập, tự giác chăm sóc bản thân, tự giác giúp đỡ việc gia đình…
Tính tự giác không phải đứa trẻ nào cũng có, cũng như không phải có sẵn mà phải qua quá trình rèn luyện với những thói quen tích cực mà thành. Trẻ hình thành tính tự giác ngay từ khi còn nhỏ, trong những việc nhỏ và đơn giản sẽ có được nền tảng ban đầu để xây dựng sự tự chủ cho bản thân và làm chủ cuộc đời khi trưởng thành”.
Theo TS Giồng, đừng đợi đến khi con lớn mới bắt đầu dạy vì từ 0-5 tuổi là khoảng thời gian hình thành nhân cách của trẻ. Vì thế, việc giáo dục tính tự giác cũng nên bắt đầu ngay từ thời điểm này.
Cùng con lên kế hoạch
Chị H.Mai có con trai năm nay 9 tuổi. Tuy nhiên, mỗi sáng cậu bé đều ngủ dậy rất trễ, chị phải đánh thức nhiều lần bé mới chịu dậy làm vệ sinh, ăn sáng để mẹ đưa đi học. Chiều về thì bé mải mê chơi game, xem hoạt hình và chị luôn phải nhắc nhở bé mới chịu đi học bài.
Nếu có hôm chị bận việc quên nhắc là cu cậu cũng quên luôn bài tập ở nhà và hậu quả là bị cô giáo phê bình rất nhiều lần. Nhiều lúc chị băn khoăn tự hỏi cứ đà này thì làm thế nào con tự lo được nếu như thiếu vắng sự nhắc nhở của chị?
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Trưởng Phòng Tư vấn tâm lý Trường LiMA, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều nhận thấy rằng một số không nhỏ trẻ em, thậm chí là thiếu niên, thanh niên và cả người lớn, đã không có khả năng tự chủ trong cuộc sống.
Họ thường chỉ có thể làm tốt nếu được “cầm tay chỉ việc”, thậm chí là chỉ rồi mà vẫn làm sai vì không có sự tự tin và phải có sự kiểm soát liên tục mới có thể hoàn thành công việc của mình. Một trong những yếu tố tạo nên điều này là do họ không biết cách tự lập kế hoạch trong cuộc sống và đây cũng do lỗi một phần lớn ở cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái.
Theo TS tâm lý Trần Thị Giồng, người ta nói “cha mẹ là người thiết kế cuộc đời con” bởi trong quá trình hình thành tính cách của con cái có phần ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ. Từ nhỏ, trẻ nên được cha mẹ bắt đầu dạy dỗ cách lập kế hoạch cho chính mình.
Kế hoạch không phải là cái gì quá to tát, chỉ cần hằng ngày, cha mẹ dành ra một khoảng thời gian ngắn ngồi cạnh con trao đổi thật nhẹ nhàng như: “Ngày mai con sẽ học những môn gì?”, “Bài tập cho ngày mai con đã hoàn thành chưa?”, “Hôm nay mình phải làm những gì hả con?”, “Con có nhớ hôm qua hứa xếp quần áo giúp mẹ không?”… và để cho trẻ tự nhớ, tự trả lời.
Điều này sẽ kích thích tính tự giác và tự chủ ở trẻ. Và tùy theo độ tuổi, cha mẹ cần dần dần hướng dẫn con lập thời khóa biểu hay lên kế hoạch cho công việc hằng ngày, hằng tuần và cho những sự kiện, công việc của chính mình.
Tạo hứng thú cho trẻ Theo các chuyên gia, cha mẹ không nên ép buộc hay giảng giải dài dòng mà cần tạo cho con sự hứng thú với từng việc nhỏ theo từng bước. Cha mẹ có thể biến những hành động mang tính bổn phận thành những trò chơi. Ví dụ, khi muốn con tự giác đi rửa mặt, cha mẹ nên tạo cho con hứng thú bằng cách rủ con cùng chơi trò “mèo con rửa mặt” hay trò “thỏ mặc quần áo nhanh” khi muốn bé tự mặc quần áo… Từ những việc nhỏ như thế, khi bé đã cảm thấy yêu thích thì cha mẹ dần hướng con đến những việc lớn hơn. Trẻ sẽ biết tự dọn dẹp đồ chơi, phụ ba mẹ phơi đồ, lặt rau hay nhiều việc vặt khác trong tâm trạng vui vẻ và đầy hứng thú. |
Bài và ảnh: Thanh Lê
(theo nld)