Tôi có một anh bạn hơn 40 tuổi mới lấy vợ, sau bao nhiêu năm tự do bay nhảy mà không bị ai càu nhàu. Ai cũng nghĩ, kết hôn rồi anh sẽ “dừng bước giang hồ”. Chính anh cũng làm buổi tiệc chiêu đãi các chiến hữu, thay lời chia tay vì sau này sẽ không còn “trên từng cây số” với bạn bè nữa.
Thật ra, lý do khiến anh ngán ở nhà là vợ anh vốn tôn thờ “chủ nghĩa bình đẳng”. Chị nấu ăn, anh phải rửa chén; chị quét nhà, anh phải lau; chị giặt quần áo, anh phải lấy vô, xếp lại hoặc ngược lại. Anh không làm, chị cũng đình công, cả nhà ăn cơm bụi, ở nhà dơ, lại còn bị chị “cấm vận”. Vợ anh tuyên bố: “Vợ chồng đều đi làm, ai cũng kiếm ra tiền, cũng vất vả như nhau. Vì thế, không cớ gì người này phải phục vụ người kia”. Anh cười như mếu: “Tưởng đâu có vợ sẽ có những bữa cơm gia đình nóng hổi, những buổi tối ấm áp, quần áo được chuẩn bị tinh tươm. Vậy mà… Thật ra, mình cũng chẳng mong vợ phải phục vụ cho mình, nhưng ít nhiều vợ cũng phải chăm chút cho gia đình và chồng chứ. Đòi hỏi bình đẳng như thế thì mướn người giúp việc cho đỡ phiền hà”. Bởi thế, với anh, ngoài đường dĩ nhiên là vui hơn ở nhà.
Một anh bạn khác của tôi cũng “cắm sào” ngoài đường đến 11g đêm mới về vì ngán ngẩm cảnh bị vợ càm ràm, méc lại những va chạm với mẹ chồng, trong khi mẹ ruột anh thì “mắng vốn” anh không biết dạy vợ. Vợ anh và mẹ “cơm không lành, canh không ngọt” thường xuyên quanh chuyện vợ đi làm về muộn, nội trợ, dạy con…
Hai anh đều khẳng định: thật ra ngoài đường có gì vui các anh không bận tâm lắm, hai anh không ở nhà chỉ vì nơi đó không có niềm vui, chỉ có sự ngột ngạt nên phải “thoát ly”.
(Theo Phụ nữ)