Độ tuổi nào, bé cũng chơi được bóng
Từ 0 – 6 tháng tuổi, nhìn vào quả bóng, bé sẽ tập phân biệt màu sắc. Hoặc cầm, nắm, sờ mó vào quả bóng cho bé những cảm giác ban đầu về chất liệu của quả bóng.
Từ 6 – 12 tháng: bé đã có thể ngồi vững và chơi trò ném bóng với mẹ. Tuy nhiên, lúc này bé ném bóng cũng không có chủ định, không có mục tiêu. Với những quả bóng nhỏ, cầm vừa tay, bé có thể truyền từ tay phải sang tay trái và ngược lại. Điều đó giúp bé rèn luyện tay và mắt.
Từ 12 -18 tháng: lúc này bé đã rất thành thạo trong mọi trò chơi với bóng: tung, ném, đá, vứt bóng… và cực kỳ thích thú. Lúc này bé có khả năng nhận ra bóng đồ chơi và kể cả tranh ảnh bóng in trên sách báo.
2 tuổi: bé trai đã cực kỳ điêu luyện với môn thể thao đá bóng và rê bóng. Hầu hết các bé đi mẫu giáo đều là những cầu thủ đá bóng giỏi.
Cho bé chơi bóng loại nào:
Mẹ không nên cho bé chơi loại bóng làm bằng cao su. Vì nó có khả năng nảy lên nảy xuống mạnh, dễ va vào mặt bé.
Những quả bóng có kích thước quá nhỏ cũng bị liệt vào vùng cấm. Có thể nó làm bé bị hóc, nghẹn nếu bé cho chúng vào mồm. Tất cả những quả bóng nào có kích thước lọt qua lõi của cuộn giấy vệ sinh đều không an toàn cho bé.
Cùng chơi với bóng nào
Chuyền bóng bằng chân: Bạn có thể để bé chơi trò này cùng nhóm bạn hoặc rủ cả ông xã cùng tham gia. Cách chơi rất đơn giản: Nằm trên sàn nhà, cố gắng dùng chân kẹp chặt một quả bóng nhựa to, giữ im một lúc rồi cố gắng chuyền sang chân người bên cạnh. Cứ tiếp tục trò chơi và nếu ai làm rơi bóng có thể phải chịu một hình phạt vui nào đó.
Đánh bóng: Tuy khá “cổ điển” nhưng trò chơi này lúc nào cũng hấp dẫn. Bạn hướng dẫn bé đánh bóng, sau đó phải chạy tới bắt lấy chính quả bóng đó. Nhưng trước khi đánh rồi chạy theo bóng, bé phải kêu quàng quạc giống một chú vịt ba lần.
Ném bóng: Hai người, mỗi người giữ một đầu của chiếc khăn tắm rồi cùng cố gắng thả cho quả bóng nhẹ lăn từ đầu khăn nọ sang đầu khăn kia. Cả hai cùng đếm xem có bao nhiêu lần quả bóng bị trượt khỏi khăn và rơi xuống đất.
Nam Hải (Tổng hợp)
(theo afamily)