Không phải tự khen mình nhưng rõ ràng, họ hàng hay bạn bè khi ăn bún chả Thanh làm đều gật đầu: “Mở hàng chắc đắt khách lắm”. Hồi chưa kết hôn, Thanh có tham gia lớp học nữ công gia chính. Hôm đãi mẹ chồng tương lai món tủ này, Thanh còn được cụ chấm cho “9,5 điểm”, dù mẹ chồng Thanh nổi tiếng là kỹ tính, nấu nướng rất giỏi, nhất là món bún chả vì anh xã nhà Thanh “kết” món này. Thế mà, Thanh chẳng bao giờ được chồng khen nấy một câu.
Cùng cảnh với Thanh, cứ ngồi vào bàn ăn là Trâm (Hải Phòng) bị chồng bắt bẻ. Nhưng hôm nào, mâm cơm không một tiếng cằn nhằn là hôm chồng Trâm giúp vợ nấu nướng. Chẳng hạn, tự mình rán đậu cháy sém, chồng Trâm âm thầm ngồi nhặt miếng đậu cháy cho vào bát mình và ăn. Miếng nào cháy quá, anh đứng lên, tự bỏ vào thùng rác. Trâm trêu: “Anh rán đậu khéo ghê, thế mà cứ chê em” thì anh xã cười giải trình: “Tại đang rán thì phải nghe điện thoại”.
Lần khác, chồng Trâm giúp vợ luộc bầu nhưng hơi quá tay khiến bầu bị nhão. Đến bữa, Trâm tranh thủ chê lại chồng thì chồng chỉ cười, vẻ biết ý, cả bữa cắm cúi ăn. Ngỡ tưởng sau những sự cố ấy, Trâm đã giúp chồng sửa được tật hay khắt khe với vợ nhưng cô đã nhầm. Món nào nấu hỏng, anh sẽ âm thầm ăn, không một lời phàn nàn. Tuy nhiên, hôm nào vợ nấu nướng, anh lại tiếp tục lắc đầu chê bai. Nhiều lần, Trâm ăn cũng chẳng ngon miệng.
Cũng có chồng thích soi mói nhưng lại lờ đi lỗi của mình là Hải (Hà Nội). Nếu vô tình làm đổ bát nước mắm, Hải sẽ bị chồng không ngớt lời mắng là vô ý. Nhưng nếu bát nước mắm do chính tay anh xã của cô làm đổ, cô có nhắc nhở thì anh lờ đi. Hải làm vỡ cốc nước, làm mất điện thoại di động… chồng cô đều tìm cách trách mắng vợ thảm hại, cho dù vừa mới hôm qua, anh cũng mắc phải những lỗi đó. Hải buồn và mong được chồng thông cảm. Ai cũng có lỗi nọ, lỗi kia, sao anh chỉ giỏi trách vợ mà không khoan dung với vợ nhưng rất khó.
Hải đã thử ghi âm lời càu nhàu của chồng vào máy điện thoại. Sau đó, lúc vợ chồng vui vẻ hoặc khi anh xã mắc lỗi tương tự, cô bật cho chồng nghe, để chồng biết cảm giác ức chế của cô. Tuy nhiên, cách này cũng không khả thi vì hôm sau, chồng cô vẫn khó chịu như thế.
Chê vợ là tâm lý phổ biến
Đúng như câu “văn mình, vợ người” hoặc “cơm nhà thì chua, cơm chùa thì ngon”. Nhiều anh chồng có vợ đảm đang, ngoan hiền nhưng chẳng mấy khi khen ngợi hay ca tụng vợ. Có anh làm mình làm mẩy vì vợ chiều chuộng rồi sinh cảnh săm soi, khắt khe với vợ. Cứ một mực nức nở cơm quán là nhất, vợ hàng xóm đảm hơn vợ mình… mà không biết phụ nữ khi dốc lòng, dốc sức cho chồng con thì cần lắm một lời động viên tinh thần từ chồng.
Tuy nhiên, tâm lý này không chỉ có ở đàn ông mà nữ giới cũng có. Nhiều anh chồng chăm chỉ nhưng vẫn bị vợ chán vì “dính” phải tật xấu này nọ. Thế là bao nhiêu điểm tốt của người bạn đời chẳng được chồng (vợ) ghi nhớ mà vài cái lỗi lặt vặt thì suốt ngày càu nhàu.
Ngoài ra, khi đã chung sống thì vợ chồng thường trở nên suồng sã. Hiếm ai nói lời cảm ơn, khen ngợi người bạn đời vì cho đó là khách sáo. Đàn ông thì càng vụng trong việc biết ơn vợ. Sang nhà bạn, được vợ bạn đãi cho bát cơm thì khen rối rít, cảm ơn liên tục nhưng ở nhà, ngày nào vợ cũng sắp sẵn cơm ngon thì chẳng thấy được bày tỏ thái độ cảm kích. Hoặc có người vợ, thấy chồng hàng xóm giặt quần áo giúp vợ con thì ao ước trong khi chồng mình ở nhà cũng cần mẫn chẳng kém thì thấy cũng “thường thôi”.
(Theo Mẹ&Bé)