Lần đầu tiên đến nhà Thắng ăn cơm, nhìn thấy bát nước mắm, Anna nghĩ chắc là ngon và quý lắm nên múc liền ba thìa vào bát cơm của mẹ chồng, khiến cả nhà tròn mắt ngạc nhiên.
Ảnh minh họa
Anna là một cô dâu người Nga, sang Việt Nam làm việc, lấy chồng người Việt, hiện sống cùng gia đình chồng tại Hà Nội. Ngày mới về làm dâu nhà Thắng, Anna nói tiếng Việt còn chưa sõi, nên chồng cô thường phải kiêm vai trò phiên dịch. Vì thế, những lúc có Thắng ở bên cạnh thì không sao, nếu Thắng đi vắng thì cả hai bên vừa mỏi miệng vừa mỏi tay mà có khi vẫn chẳng hiểu bên kia nói gì.
Đến giờ, khi đã sống ở nhà chồng 6 năm và cũng hoà nhập được với nếp sống của gia đình Thắng, Anna vẫn không quên kỷ niệm lần đầu tiên về ra mắt. Hồi đó cô mới sang Việt Nam, cũng mới biết sơ qua về phong tục, văn hoá Việt Nam qua một vài cuốn sách và hiểu mang máng rằng trong bữa ăn, người Việt thường có thói quen tiếp thức ăn cho nhau để thể hiện sự quý trọng. Thế là lần đầu tiên được bố mẹ Thắng mời đến nhà ăn cơm, nhìn thấy bát nước mắm, biết đó là món đặc trưng của người Việt, Anna nghĩ chắc ngon lắm, quý lắm nên vừa vào bàn, cô đã nhiệt tình múc liền cho mẹ chồng ba thìa vào bát cơm. Cả nhà tròn mắt ngạc nhiên, rồi đến khi hiểu thành ý của nàng dâu tương lai thì đồng loạt ôm bụng cười.
Lần khác, khi đã về làm dâu rồi, Anna tập nấu món canh cua Việt Nam để chiêu đãi cả nhà. Đúng như sách dạy, cô cũng đi chợ mua cua và nhờ người bán xay sẵn. Thế nhưng khi về nhà, Anna lại quên mất bước lọc cua mà cứ thế cho vào nồi nấu. Lúc múc ra bát, vừa húp thử một thìa, mẹ chồng đã phát hiện ra canh cua được nấu… nguyên cả bã. Anna hồi hộp hỏi chồng thì Thắng lại cố tình trêu vợ bảo: “Mẹ khen em nấu canh cua rất… giòn”.
Cô hý hửng tưởng thật, hôm sau đến khoe với các đồng nghiệp người Việt với vẻ rất tự hào. Nhưng nghe mọi người giải thích, cô mới té ngửa là chồng trêu mình. Lần ấy về nhà, Thắng phải xin lỗi mãi, Anna mới hết giận.
Chuyện nói
Sau chuyến du học Australia, Duy (Hải Phòng) mang về nước tấm bằng thạc sĩ và cả một cô vợ Tây tên là Linda. Ngày mới sang Việt Nam, Linda rất ngạc nhiên khi thấy mọi người cứ gặp nhau là hỏi: “Ăn cơm chưa” hay “Đang làm gì đấy”, “Đang đi đâu đấy”. Cô cứ thắc mắc với chồng là sao người ta lại bất lịch sự và tò mò quá đáng như thế. Khi được Duy giải thích đó chỉ là cách chào hỏi thông thường của người Việt, Linda lại bắt chồng dạy nói thật chuẩn những câu đó.
Linda rất tích cực “thực hành” những câu chồng dạy, gặp ai cô cũng hỏi ăn cơm chưa. Thậm chí có lần cùng chồng sang nhà ông bác có việc, lúc ấy đã gần nửa đêm. Ông bác vừa mở cửa, Linda đã nhanh miệng “chào” luôn: “Bác ăn cơm chưa?”, ông bác ngơ ngác một lúc rồi phì cười.
Linda cũng được chồng “dạy” rằng trong gia đình người Việt Nam, con cháu phải đi thưa về chào để biểu lộ sự lễ phép, tôn trọng người bề trên. Thế là có lần vừa từ chỗ làm trở về, nhìn thấy bố chồng đang vội vàng đi về phía… nhà vệ sinh, cô cũng cất tiếng chào rõ to: “Bố đi đâu đấy ạ?” làm ông bố đỏ mặt, chẳng biết trả lời cô con dâu quá ngoan này ra sao cho phải.
Vui buồn dâu Tây
Mặc dù có rất nhiều khác biệt về tư duy, lối sống, ngôn ngữ, văn hoá, phong tục tập quán nhưng rất nhiều cô dâu Tây đã sống hoà thuận, hạnh phúc với gia đình chồng. Một phần là do sự cố gắng và thiện chí của chính họ muốn gần gũi, hoà nhập thực sự, một phần là các nàng dâu người nước ngoài dễ nhận được sự quan tâm, thông cảm của gia đình chồng. Họ không yêu cầu cao hay quá xét nét như đối với các cô gái Việt nên dễ bỏ qua sự vụng về hay những lỗi, nếu có, của nàng dâu.
Anna, cô dâu người Nga đã nhắc tới ở trên, chia sẻ, những ngày đầu về sống cùng bố mẹ chồng, cô vụng về và thường mắc lỗi do chưa quen với các lề thói của gia đình. Nhưng bố mẹ chồng chẳng những không trách tội mà còn ân cần chỉ bảo, giải thích từng tí một. Chỉ sau nửa năm, cô đã được mẹ chồng “đào tạo” gần như thành một nàng dâu người Việt thực thụ, từ việc nấu ăn đến cách cư xử hằng ngày. Anna cho biết bây giờ ngoài canh cua, cô còn nấu được rất nhiều món ăn của Việt Nam khéo không kém mẹ chồng.
Tuy nhiên, nhiều nàng dâu Tây khác không dễ dàng hoà nhập được với nhà chồng như Anna. Tình yêu không giúp làm họ xoá đi được những khác biệt, kết quả cuối cùng là phải ai về nước ấy, như chuyện doanh nhân Minh Trí (khu đô thị Ciputra, Hà Nội) và vợ là Jesica, làm việc cho một đại lý dược phẩm của Pháp tại Việt Nam. Họ gặp nhau trong một lần cùng tham gia giải đấu golf dành cho doanh nhân, và yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không lâu sau đó, hai người quyết định tổ chức đám cưới. Thế nhưng, chỉ khi thực sự bước vào gia đình chồng, Jesica mới biết mình không dễ dàng hoà nhập.
Quê anh Trí ở Bắc Ninh, hằng năm vào mỗi dịp lễ tết đều phải về quê thăm hỏi họ hàng. Ngược lại, họ hàng ở quê mỗi khi có việc gì lên Hà Nội cũng đến ở nhờ nhà anh. Điều đó làm Jesica lúc đầu hết sức ngạc nhiên rồi sau đó là khó chịu. Theo cô thì anh Trí có thể giúp họ tiền để họ tự đi tìm chỗ nghỉ chứ không nên cho ở trong nhà anh, quấy rầy, ảnh hưởng đến không gian riêng tư của hai vợ chồng.
Anh Trí đã giải thích là với người Việt thì không thể làm thế, nhưng Jesica vẫn tỏ thái độ không hài lòng. Việc hai vợ chồng phải về quê ăn Tết cùng gia đình mỗi dịp Tết cũng khiến cô không thoải mái. Chỉ năm đầu tiên là Jesica háo hức khám phá Tết Việt Nam, còn những năm sau, cô bảo chồng rằng vào những dịp nghỉ lễ thì phải đi du lịch, nghỉ ngơi, làm những gì mình thích chứ tại sao bố mẹ lại cứ bắt phải về quê, như thế là không tôn trọng tự do của họ. Anh Trí muốn sinh con để “nối dõi tông đường” nhưng Jesica không muốn, cho rằng họ còn trẻ và phải tập trung cho công việc đã, chuyện con cái tính sau, thậm chí sau này có thể xin con nuôi mà không cần phải đẻ.
Từ những bất đồng đó mà giữa hai vợ chồng anh, khoảng cách càng ngày càng rộng, không thể hoà hợp. Cuối cùng, họ phải chia tay nhau, Jesica xách va li về nước sau hơn ba năm chung sống và chưa kịp có con chung với Minh Trí.
(Theo Báo Đất Việt)