Mọi người rất hiểu và cảm thông cho chị Liên vì đã lấy phải ông chồng sĩ diện; thương cho chị lúc nào cũng vội vàng, nơm nớp…và ngao ngán trước căn bệnh gia trưởng hạng nặng của chồng.
Việc gì chị làm anh cũng không vừa ý. Đi làm về muộn, không thể nấu những món chồng như ý chồng, vậy là anh quát nạt, quy kết vợ vụng về. Quần áo anh thay ra, chị giặt chưa kịp khô, thế là anh mắng vợ lười nhác…
Anh còn cho rằng bất cứ lời trách mắng hay trừng phạt của anh cũng đúng đắn, là có lý để giữ nề nếp gia phong vì… “có hay dở gì thì cũng là chồng” và “thuyền theo lái, gái theo chồng” là điều đương nhiên.
Hễ chị có ý kiến hoặc phản ứng thì… hàng xóm láng giềng được phen điếc tai vì những lời quát tháo nạt nộ ầm ĩ của anh Tuấn. Tệ hơn là có khi anh dắt chị về trả bố mẹ vợ để “bố mẹ dạy lại, chứ con không chịu được”…
Bạn bè, người thân góp ý, anh đều bỏ ngoài tai để… giữ đúng bản lĩnh đàn ông, đưa vợ con vào khuôn phép.
Và những ông chồng bảo thủ
Không khó tính cực đoan như anh Tuấn, anh Minh – chồng cô nhân viên văn phòng Thu Hà cũng cực kỳ gia trưởng và bảo thủ.
“Lúc mới lấy nhau, có gì không vừa ý anh ấy chỉ im lặng hoặc khó chịu đôi chút chứ không nặng nề, ghê gớm như bây giờ” – Thu Hà chia sẻ.
Vốn sĩ diện ngất trời nên anh Minh không bao giờ nghe vợ điều gì trước mặt mọi người. Đã thế tính anh ham vui, hay tụ tập, mà mỗi khi tụ tập anh càng thích ra oai với vợ cho thiên hạ biết anh là ông vua không ngai trong nhà.
Có lần hai vợ chồng đang trò chuyện, một anh bạn tới chơi, anh Minh liền sẵng giọng bảo: “Cô đi ra pha nước, ngồi ì ở đấy à?” Giữ thể diện cho chồng, Hà im lặng, lui vào pha nước. Anh Minh càng tưởng mình hay và chẳng để ý đến ánh mắt ngạc nhiên pha lẫn khó chịu của bạn.
Khi mang nước ra, Hà lỡ để trà đổ ra đất. Minh liền gằn giọng thắt quát tháo rồi phân bua với bạn: “Vợ tớ đoảng lắm, cậu thông cảm nhé”.
Thấy không khí gia đình hơi căng, anh bạn nấn ná dăm phút rồi xin phép ra về. Anh Minh cho rằng vì vợ mình hậu đậu nên… bạn ngán ngẩm bỏ về và tiếp tục mắng Hà.
Chuyện vốn chẳng có gì mà vợ chồng họ giận nhau nhiều tuần lễ, bởi chồng thì cho rằng mình luôn đúng, còn vợ lại nghĩ chồng bảo thủ đến thế là cùng!
Lời khuyên của nhà tư vấn
Là trụ cột trong gia đình, người đàn ông phải có cái uy nhất định, nhưng có uy không đồng nghĩa với việc đàn áp, coi thường hay ra oai với vợ con. Cái uy, bản lĩnh của người đàn ông thể hiện ở sự quyết đoán, vững chãi khi làm chủ gia đình, ở thái độ tôn trọng đúng mực, tiếp thu ý kiến với bạn đời và ở lối sống chừng mực, gương mẫu cũng như cách răn dạy nghiêm khắc hiệu quả đối với con cái.
Nếu khẳng định bản lĩnh, sĩ diện đàn ông bằng cách to tiếng, đặt bản thân lên trên vợ con thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tạo ra khoảng cách với những người thân yêu nhất của mình, đẩy hạnh phúc gia đình đến nguy cơ rạn nứt.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đàn ông lo việc lớn nhưng đán bà lại tạo hơi ấm và bầu không khí hạnh phúc cho gia đình. Nếu quý ông không đem lại cho người phụ nữ của mình cảm giác được tin tưởng, yêu thương và tôn trọng thì dù bản thân có cố gắng “xây nhà” đến mấy cũng không thể có được hơi ấm trong mái gia đình của mình.
(Theo Người lao động)