Tác giả bài viết là người quen của gia đình, chỉ muốn kể lại để như là một lời cảnh báo cho các tổ ấm thời hiện đại.
Người giúp việc – chị Trần Thị H.:
“Họ cư xử với nhau như chiếc tủ lạnh!”
Tôi lên thành phố giúp việc cho một gia đình giàu có, hai vợ chồng chủ đều trẻ và đẹp. Anh chồng là doanh nhân sang trọng lắm, còn cô vợ quản lý mấy cửa hàng thời trang cao cấp ngoài phố lớn. Họ có hai cô con gái, cô lớn học lớp 6, cô bé mới vào lớp 1. Nhưng đôi vợ chồng này kỳ lạ lắm, vợ sống trên lầu 1, chồng có phòng riêng dưới tầng trệt, hơn một năm rồi hiếm khi tôi thấy họ chuyện trò với nhau. Hôm qua có lẽ là lần đầu tiên tôi được chứng kiến, nhưng lại là một chuyện không vui.
Khi tôi ra mở cổng cho anh chồng lái ôtô vào thì cô vợ đứng trên ban công với vẻ rất tức giận. Anh chồng chưa kịp bước ra thì cô vợ đã ném chiếc điện thoại di động vào mũi xe. Vậy mà anh chồng chẳng thèm nói lời nào, xách cặp bỏ vào phòng khách. Tôi đứng ngoài sân nghe được cô vợ đi xuống hỏi: “Anh có biết thái độ đó làm người khác bực bội lắm không?”.
“Đã thỏa thuận là chúng ta không tranh cãi mà!” – anh chồng trả lời rất dửng dưng. Họ nói thêm dăm ba câu nữa rồi ai về phòng người nấy. Hai đứa con đi học chưa về nên không biết chuyện. Buổi tối có người đến giao một chiếc điện thoại mới. Anh chồng ra trả tiền rồi dặn tôi mang lên cho bà chủ.
Vợ – chị Ngọc D. (36 tuổi):
“Sự lạnh nhạt đã thành thói quen của tôi!”
Vợ chồng tôi ly thân đã hơn hai năm. Suốt thời gian qua chúng tôi không nói chuyện trực tiếp với nhau mà tất cả đều qua tin nhắn. Chúng tôi gìn giữ gia đình bằng một thỏa thuận đạo đức mà nếu ai vi phạm sẽ ra đi tay trắng. Sự lạnh nhạt này là thử thách giới hạn chịu đựng của tôi và cả của chồng.
Ngày 1-4 vừa rồi tôi nhắn tin cho chồng: “Em có bầu”. Tôi muốn trêu chọc vào một ngày nói dối vô hại, nhưng ngầm ý nhắc nhở anh về trách nhiệm của một người chồng – một người đàn ông trong gia đình. Chồng tôi nhắn lại: “Với ai?”. “Anh quan tâm ư?”. Câu hỏi của tôi được trả lời bằng một sự khiêu khích: “Để chắc rằng em có chỗ dựa tốt khi rời khỏi nhà”. Và tôi đã nổi cáu khi anh ta về nhà. Tôi ném điện thoại đắt tiền vào chiếc xe đắt tiền của anh ta, nhưng cũng không giải quyết được chuyện gì.
Chồng – anh Nguyễn T. (39 tuổi):
“Tôi từng mắc sai lầm”
Vợ tôi rất đẹp. Tôi từng rất yêu cô ấy. Nhưng thời gian và tính cách đã khiến chúng tôi không thể cùng giao tiếp. Tôi từng mắc sai lầm. Cô ấy tha thứ nhưng không quên được. Và chúng tôi âm thầm níu giữ nhau, chịu đựng nhau, pha lẫn những thách thức.
Công bằng mà nói chúng tôi có thể ly hôn một cách đơn giản. Tôi sẽ dễ dàng tìm cho mình một hạnh phúc mới, hết lạnh nhạt, hết day dứt. Song sự giải phóng này liệu có tốt cho cô ấy, cho các con của chúng tôi? Cô ấy không muốn bỏ gia đình nhưng cô ấy không chịu thắp lửa ấm trong lòng. Chăm sóc nhà cửa, con cái đã có người giúp việc lo, cô ấy cũng không có cơ hội tìm thấy hạnh phúc từ việc thắp lửa ở nơi khác. Vì còn yêu thương vợ nhiều nên tôi sẽ để cho cô ấy mọi quyền chủ động.
Hai đứa con không sống thật với lòng mình
Hai cô con gái của gia đình này ít chịu chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ khi ở nhà. Minh Ng. mới là học sinh cấp II mà khuôn mặt đầy nét ưu tư của người lớn trước tuổi. Chị H. giúp việc kể Minh Ng. hay nhốt mình trong phòng mỗi khi về nhà. Cô bé hiểu chiến tranh lạnh của cha mẹ nên lúc nào cũng âm thầm, và có những toan tính, vun vén cho riêng mình. Chị H. thường xuyên chứng kiến cô bé xin một khoản tiền học của cả cha lẫn mẹ, rồi bỏ tiết kiệm. Có thể cô bé chuẩn bị để đón chờ ngày cha mẹ ly dị.
Bảo Ng. còn nhỏ, nhưng ai đảm bảo là cô bé không biết chuyện xảy ra trong gia đình mình. Trẻ con cảm nhận rất nhanh mối bất hòa của cha mẹ, nhưng không nói ra mà dần khép kín hoặc không sống thật với lòng mình nữa. Bảo Ng. trở nên láu lỉnh một cách thái quá. Chị H. lắc đầu khi nói về Bảo Ng.: “Con bé được chiều quá nên hư, chẳng coi ai ra gì cả. Nó nói dối như không và đòi hỏi gì cha mẹ cũng chiều. Con bé biết là có thể dắt mũi được người lớn nên càng ngày nó càng táo tợn”.
(Theo Tuổi trẻ)