“Mày không được chơi cái đó!” Không biết bao nhiều lần Tuti hét to và vội giằng lấy con búp bê biết khóc của mình từ tay bạn Mít hàng xóm.
Đừng phạt bé khi con tỏ ra ích kỷ
Bạn đừng mắng con là “đồ ích kỷ” rồi phạt khi nó chưa biết chia sẻ, hoặc buộc trẻ phải chia một vật nào đó mà trẻ rất yêu thích. Bởi như thế, bạn vô tình nuôi dưỡng nơi trẻ sự oán hận chứ không phải là lòng quảng đại. Sự khích lệ mang lại hiệu quả tích cực hơn lời quở trách. Bạn cũng nên nhớ rằng việc trẻ giữ riêng cho mình một số đồ nào đó cũng rất tốt. Khi trưởng thành, chúng sẽ hiểu được chia sẻ với các bạn khác thì vui hơn là giữ riêng một mình.
Dạy con biết “luân phiên” và “lần lượt”
Ngay từ khi 2 tuổi,bé đã có thể hiểu được điều này. Đơn giản thôi nhé! Ví dụ, mẹ bày tỏ sự âu yếm bằng cách thơm lên má bé và yêu cầu bé thơm lại. Với những trò chơi, cha mẹ hướng dẫn cho bé chơi cùng. Khi bé chơi với bạn, anh chị em họ, cần chơi theo thứ tự, hết người nọ rồi đến người kia, bất kể là đồ chơi của ai.
Đặt bé vào hoàn cảnh không được chia sẻ
Các bé thường tỏ ra khó chịu khi chia sẻ đồ chơi hoặc chơi chung với các bạn, bố mẹ cần giải thích cho bé bằng những điều dễ hiểu nhất, đặt bé vào hoàn cảnh của bạn khi bị bé từ chối.
Ví dụ: “Nếu bạn An không cho con chơi cùng chiếc ô tô điều khiển từ xa, con có chán không, có buồn không? Bạn An cho con mượn ô tô, con chỉ chơi một lúc rồi trả lại bạn đúng không? Đấy, nếu con cho bạn An mượn con siêu nhân bố mới mua cho, bạn ấy cũng chỉ chơi một lúc rồi trả lại cho con thôi. Và bạn ấy sẽ cho con mượn nhiều đồ chơi đẹp hơn nữa cơ”.
Điều này sẽ giúp bé hiểu được cảm giác bị từ chối như thế nào, khiến bé thông cảm với bạn và đến một lúc nào đó, bé cũng bị rơi vào tình cảnh như vậy. Từ đó, bé sẽ dễ dàng chia sẻ với bạn không chỉ đồ chơi mà còn nhiều thứ khác.
Tôn trọng đồ dùng của bé
Nhiều chuyên gia tâm lý đã nhận định: “Tôn trọng là cách bố mẹ dạy con biết cách chia sẻ”. Bố mẹ hãy cho phép con giữ một số đồ vật nào của riêng bé mà không phải chia sẻ với bất kỳ ai. Hãy thể hiện sự tôn trọng với bé bằng cách hỏi mượn bé khi bố mẹ muốn lấy/chơi những đồ chơi đó. Yêu cầu người lớn trong nhà, bè bạn của bé cũng phải mượn bé.
Không có bài học nào tốt hơn cho bé bằng chính tấm gương từ bố mẹ và những người xung quanh. Cha mẹ hãy chia sẻ, quan tâm chăm lẫn nhau, giữa những người trong cùng một gia đình, cùng bé giúp đỡ những người xung quanh. Khi lớn lên, bé sẽ biết sống hòa đồng, thân ái và chan hòa với cộng đồng, bè bạn.
Nam Hải (Tổng hợp)
(theo afamily)