Nói về cái sự… ngày đầu tiên.
Ai trong mỗi người chúng ta đều trải qua rất nhiều ngày đầu tiên trong đời.
Ngày đầu tiên nhổ cái răng thì hổng đạp cái khay của nha sĩ thì cũng kêu khóc ầm ĩ, nhưng cũng có kẻ can đảm… nhắm mắt… không rơi dù chỉ một giọt… cho nha sĩ… khen “bé thế mà gan”.
Ngày đầu tiên… thất nghiệp, ngày đầu tiên… có việc hay ngày đầu tiên… có vợ, có chồng, có con, có cháu…
Có kẻ thút thít, có kẻ đau xót, có kẻ mừng rơn, có người hí hửng và cũng có người hạnh phúc đến… chảy nước mắt.
Nói về ngày đầu tiên thật dài lê thê, trăm chuyện trăm người, ti tỉ cảm xúc.
Nhưng cái mà tôi viết hôm nay là về cái sự… ngày đầu tiên của người khác mà sao… lắm người lo lắng giùm.
Đó là cái ngày đầu tiên đi học của con. Chẳng phải mình ba mẹ lo, mà đến ông bà, cô chú trong nhà cũng lo giùm nữa chứ?
Nhiều người bạn hỏi í ới… con sắp đi mẫu giáo, con sắp vào lớp một.
Chợt nhớ mình hồi đó đó, ừ mình cũng giả bộ tài lanh không lo thôi, chứ ai nói mình không lắng tai nghe chuyện từ thiên hạ. Cũng có cả một danh sách những việc phải làm, những thứ phải chuẩn bị cho cái người bé xíu mà ta thương yêu nhất sắp rời tay ta để vào tay… cô giáo.
Trường được chọn là… trường làng.
Cơ sở vật chất nghèo nàn, không có sân chơi, không có hồ bơi, không có cả cây xanh cho cháu chơi, đầu năm nào cũng kêu gọi phụ huynh học sinh góp giấy lịch đẹp, góp tạp chí, góp cây xanh cho các cháu.
Thế mà thích đó. Mẹ con cặm cụi thu gom đồ chơi cho trường, chở cây đến tặng lớp.
Cô yêu trẻ, lớp nhỏ nhắn. Sạch sẽ. Được giao lưu cô giáo thoải mái.
Trường của nhà nước mà. Lo gì chương trình học. Mà mẫu giáo thì học gì chứ? Ở nhà coi bộ mẹ chịu dạy kèm thì còn tốt hơn cả cô đó.
Lớp một ư, cũng tìm hiểu và phân tích. Trường công, trường tư, quốc tế thì sao ta?
Biết con mình quá tự do, quá dân chủ, vô một môi trường cung cấp nhiều tự do hơn cả ở nhà, thấy không cân bằng. Sợ một ngày con bảo “con học hay không học là quyền tự do của con” thì nguy to. Thôi trường công, biết chắc học trò phải sợ thầy cô giáo.
Không muốn chạy trường.
Muốn lãng mạn theo kiểu ngày xưa mẹ học trường đó đó con, bây giờ con cũng học ngay chính lớp học của mẹ hả? Con ngồi bàn mấy?
Nhận giấy nhập học. Ton ton chở con đến trường.
Ôi chao là thất vọng.
Mỗi năm trường này có nhận tiền cơ sở vật chất không ta? Mà cái bàn của mẹ ngồi ngày xưa còn y chang đến giờ vậy nè?
Nó ghê ghê là, nó cũ cũ quá đi mất.
Và nó ngay cái đường xe tải chạy qua chạy lại.
Thôi thôi chết con rồi, chắc là cái số của con phải học trường quốc tế con ơi.
Học được câu “ăn hiền ở lành” là lá la la.
Than thở tí chút, thế là động lòng ai ai đó làm giám đốc ngân hàng quận. Con vô thẳng trường công sân rộng, cây nhiều, bàn ghế sạch đẹp, an toàn, gần nhà bà ngoại.
Nhưng thề với lòng là sẽ dặn dò bạn bè đừng lãng mạn kiểu mình về cái sự học trước hay không học trước.
Mình theo chủ nghĩa “chơi sướng hơn học”, nên đã không cho con học trước.
Nhưng thật sự nên cho trẻ tập cầm bút từ từ, nên cho rèn chữ, nên cho làm quen với toán.
Nên mỗi ngày dành ra vài giờ cho cháu học tô chữ, tập làm quen với con số như là trò chơi với mẹ.
Đừng quá nghiêm trọng vấn đề ngày đầu tiên của người khác.
Cái chính là chia sẻ kinh nghiệm, là dặn dò.
Là nói với đối tượng ai cũng có ngày đầu tiên.
Đi học là chuyện bình thường. Ai ai cũng phải đi học, còn có nhiều bạn khác không được đi học dù mong muốn được mặc chiếc áo trắng.
Con khóc… chuyện bình thường.
Ngày xưa mình cũng khóc khi con không ăn được ở trường, con bệnh.
Nhưng thật sự khi trẻ lớn, trẻ cũng chả nhớ chi về ngày đầu đi mẫu giáo, có giỏi lắm là nhớ được cái buổi đầu tiên mẹ đưa đi học lớp một.
Sự thật là khi trẻ vào lớp hai lại sẽ nói với mẹ là nhớ, là ước… được học mẫu giáo.
Thế thì mình nên giúp trẻ yêu quý thời hiện tại, cái thời vô lớp không học thì ăn, không ăn thì ca hát nhảy múa, học chỉ là ê a vài con số, vài chữ vỡ lòng, học là tô màu, là tập làm cô giáo, làm bác sĩ.
Thế thì mình nên là bạn đồng hành.
Thế thì mình đừng nên lo cho ngày đầu tiên của… người ta.
Hãy để tự nhiên, hãy để con mình làm chủ, và mình là người chia sẻ kinh nghiệm lớp một… của mình với “người ấy”. Có thể người bạn nhỏ đó có cách giải quyết khác hay hơn thì sao?
Theo Trần Thị Nhung
SGTT