1. Sinh ra ở miền Bắc, lớn lên tiếp thu kiến thức ở nước ngoài, về nước và sinh sống, làm việc tại Sài Gòn, chị thuộc tuýp phụ nữ thành đạt trong cuộc sống, đam mê với công việc và tận tâm cho gia đình. Nhiều người bạn gán cho chị biệt danh “ham việc”. Hễ xong công việc tại cơ quan, chị lại lao vào vẽ tranh hoặc tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội.
Niềm đam mê hội họa của chị có từ nhỏ, chị đã từng tham gia những khóa học tại Trường Đại học Mỹ thuật ở Hà Nội trước khi sang Đức học tại Đại học Leipzig. Gần 20 năm không có cơ hội để thể hiện niềm đam mê của mình, cho đến khi chị gặp họa sĩ Nguyễn Thị Tâm và Câu lạc bộ “Cùng sánh bước” được mở ra mới thực sự giúp chị khơi dậy lại niềm đam mê hội họa.
Thế rồi hàng loạt các cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước đều có tên của chị, gần đây nhất là sự kiện bán đấu giá mỹ thuật được tổ chức hàng năm do Câu lạc bộ các phu nhân lãnh sự tổ chức. Thông qua sự kiện này, toàn bộ số tiền đều dành để giúp các dự án cải thiện đời sống cho người dân nghèo.
Tranh sơn dầu của chị mang màu sắc tươi, sáng, giản dị và chị đã đưa vào tranh nhiều phong cảnh quê hương Việt Nam, những nơi chị đã có dịp dừng lại. Mạnh mẽ, dữ dội và sâu lắng hơn trước đây, dường như tranh của chị gần đây mang cả tâm trạng giằng xé, sức truyền cảm mãnh liệt của chị trong đó.
Từ đầu năm đến nay chị đã tham gia 4 triển lãm trong Nam lẫn ngoài Bắc. Theo kế hoạch, chị sẽ còn một cuộc triển lãm trong tháng 6 tại 92 Lê Thánh Tôn; một cuộc triển lãm trong tháng 7 và 8 tại Chicago và Oregan (Mỹ) và một cuộc nữa sẽ được diễn ra trong tháng 10.
“Tất cả những diễn biến của cuộc sống hàng ngày đều nằm sẵn trong đầu mình. Hội họa không thể vội vã và chóng vánh được, mình muốn những tác phẩm của mình phải có chiều sâu, giống như cái sâu lắng, tĩnh mịch về đêm của cuộc sống mà chúng ta tưởng chừng chỉ có sự tấp nập, ồn ào và vội vã vậy…”, chị cho biết.
Rất ít khi muốn người khác biết về mình, như những công việc xã hội chị vẫn lặng lẽ làm, nhưng lần này thì khác, nếu không nói ra, ít người biết nhiều tác phẩm của chị đã góp phần tạo nguồn quỹ giúp người nghèo là của họa sĩ Trần Thùy Linh…
2. Theo chân đức lang quân, một nhà ngoại giao, đến Sài Gòn sinh sống, chị Trahas Gutche – người Ethiopia, một họa sĩ đương đại chuyên nghiệp đã cảm rồi mến cái đẹp của phong cảnh, con người Việt Nam. 3 tác phẩm về người phụ nữ Việt Nam trong bộ áo dài thướt tha, nón lá và cô gái Sapa trong trang phục truyền thống thật tinh tế đến từng chi tiết.
Chị rất yêu áo dài nên đã nghiên cứu rất nhiều về đường nét của trang phục này. Quan sát, chiêm ngưỡng, khám phá cuộc sống tại các nơi chị đi qua, đó là bí quyết khiến các bức tranh về đất nước, con người Việt Nam của chị có sức lôi cuốn người xem.
Từ năm 1992, chị đã tổ chức nhiều triển lãm tranh cá nhân và tham gia các triển lãm tại Mỹ, Bỉ, Đức và Dubai. Đây là lần thứ hai chị tặng tranh cho sự kiện gây quỹ từ thiện được tổ chức tại Việt Nam.
“Tôi sẽ mặc chiếc áo dài truyền thống Việt Nam trong một sự kiện quan trọng gần nhất, đó là điều tôi ôm ấp và mong muốn được thực hiện. Có lẽ chính vì vậy mà tranh của tôi chủ yếu về đề tài áo dài và con người Việt Nam”, chị cho biết. Vốn rất mê khám phá những điều mới lạ, nên khi đến một đất nước mới chị lại có nhiều tác phẩm mang màu sắc mới lạ.
Tiếp tục những tác phẩm về con người Việt Nam và khám phá Việt Nam, đó là những gì mà họa sĩ Trahas Gutche sẽ làm trong thời gian còn ở lại Sài Gòn. “Rồi một ngày nào đó, những bức tranh về Việt Nam sẽ được nhiều người biết đến. Tôi tin là nhiều người sẽ rất thích vì Việt Nam của các bạn thật đẹp và quyến rũ”, chị chia sẻ.
Theo SGGP