Tôi sẽ mở đầu bằng câu chuyện tình yêu của nàng Sáu “bầu” – bà cô tôi gọi mẹ tôi như thế lúc mẹ mang bầu tôi và chết tên từ đó đến giờ luôn.
![]() |
Những lúc tôi buồn, những kỷ niệm thời thơ ấu bên gia đình lại ùa về sưởi ấm lòng tôi – Ảnh minh họa từ smithsonianeducation |
Nhà ba và mẹ khá gần nhau nhưng chưa bao giờ ba dám bén mảng tới rủ mẹ đi chơi. Không phải vì ông bà ngoại tôi khó mà là vì ba nhát. Ba thường viết thơ rồi gửi cô Bảy Hường đưa giùm cho mẹ. Chuyện đó mỗi lần nhắc ba tôi vừa ngượng vừa trêu lại: “Không có tao vớt, mẹ mày bây giờ có mà về vườn mót lúa chết luôn”. Mẹ nghe đáp lại liền: “Không phải ông nghèo quá, hỏi cưới ai nhà người ta cũng lắc đầu sao”. Nói rồi cả nhà cùng cười. Tôi thích bầu không khí đó vô cùng.
Mỗi lần ai trêu ba, ba lại khoe có người yêu tên Hà đã đi Mỹ: “Hồi đó tôi ưng bây giờ cũng ở bển rồi chớ bộ”. Nhưng có duyên có nợ mới được về ở cùng một nhà, ăn cùng một mâm cơm danh chính ngôn thuận như ba mẹ tôi!
Tôi tin ba nói thật vì hồi bà nội tôi còn sống, dì Hà có ghé nhà thăm đôi ba lần, còn cho bà dầu gió, tôi thì được bịch kẹo sôcôla đủ màu. Tôi nhớ mình tham ăn đến nỗi giấu riêng vào tủ quần áo để tranh thủ tối vào mùng nhai nhóp nhép. Ai dè kẹo bị chảy, kiến bu tùm lum, báo hại ngày chủ nhật duy nhất mẹ tôi được ở nhà phải đem hết đống quần áo đó ra giặt. Dĩ nhiên là tôi bị đòn.
Tôi sinh ra giữa mùa hè rực nắng. Cái nắng nung người, nóng đến nỗi ngồi trong nhà lá còn chịu không thấu. Ai nấy đều thèm một cơn mưa. Vậy mà ba mẹ tôi phải phơi mình ngoài vườn cày cuốc thêm vì miếng ăn cho gia đình.
Ba kể lại hồi đó cực khổ lắm, mẹ tôi mang bầu vẫn đi cuốc đất trồng khoai lang bình thường. Chiều đó cuốc xong, đau bụng, cha tôi đèo mẹ trên chiếc xe đòn dông đi đến bệnh viện luôn. Sinh tôi khá dễ, có lẽ do tôi cũng thấu hiểu sự cực khổ của đấng sinh thành nên ngoan từ bụng mẹ. Xe của ba dựng ngay cạnh đầu giường mẹ, vừa trông xe vừa chăm sóc mẹ.
Cuộc sống vất vả hơn khi ba mẹ có tôi. Ba phải chạy vạy ngược xuôi kiếm tiền mua sữa cho tôi uống vì mẹ thiếu sữa. Tôi phải uống kèm với nước cơm. Bà nội nhìn tôi èo uột, cứ ré lên như con mèo con mà ai vô tình đạp phải cái bụng mềm èo của nó, lâu lâu lại chắc lưỡi thở than rồi kéo cái khăn rằn thường vắt ngang cổ lên chậm nước mắt.
Tôi lớn lên trong những vòng tay yêu thương ấy. Những tưởng mình sẽ là độc nhất vô nhị, ai dè năm tôi lên 3 mẹ tôi lại cho ra đời một cô nhóc nữa. Nghe mẹ kể lại con Hoa em tôi lúc nhỏ xấu đau xấu đớn. Mẹ sinh nó xong xuất viện về nhà nằm cữ, bà thím hay lên vén mùng chui vào thăm nó rồi lắc đầu bảo sao nó xấu quá.
Mà quả thật nó rất khó nuôi, khóc tối ngày. Ấn tượng sâu đậm nhất về nó còn đọng lại trong tôi là chứng tè dầm. Mãi đến năm học lớp 1 nó mới hết. Tôi ý thức được tôi làm chị nên tôi hay nhường nhịn nó.
Những ngày ba mẹ đi làm tôi tự chăm nó cho bà rảnh tay lo việc nhà. Tôi rủ nó cất nhà chòi lợp bằng lá chuối và kiếm tiền bằng cách bơi xuồng đi buôn. Chuyện bơi xuồng này tôi cũng học lén từ người ta vì nhà tôi gần bến đò, ngày ngày tôi thấy ông lái đò cứ chèo qua chèo lại rồi có tiền nên cũng khoái.
May hồi đó tôi chưa từng mơ lớn lên trở thành người chèo đò. Vụ đó sém làm con Hoa em tôi bỏ mạng vì tụi tôi giả bộ coi cây cầu bắc ngang cái mương sau nhà là đò rồi lượm cây làm chèo. Cây cầu đó lại xâm xấp nước lâu ngày đóng rong nên chèo tới chèo lui một hồi nhỏ em trượt chân rơi tõm xuống nước. Cũng may nó bám được thành cầu trước con mắt kinh ngạc của tôi. Tôi không biết làm sao nhấc nó lên khỏi mặt nước, chỉ biết há miệng chết trân đứng nhìn nó.
Rồi người hùng mang tên “ba” xuất hiện, bẻ hết mấy cây chèo rồi lôi chị em tôi vào cho một trận bằng cọng lá dừa khô. Tụi tôi không đau nhưng sợ xanh cả mặt. Vụ buôn bán nửa chừng gãy gánh chẳng phải vì lỗ vốn mà vì tôi thấy nguy hiểm quá. Tôi sợ mất con Hoa.
***
Thích nhất là những ngày mưa hai chị em được ba ru võng ngủ. Ba hát nhiều bài lắm, bài nào tôi cũng thích nhưng thích nhất là bài “ai đang đi trên đường đê, té xuống sông ướt cái quần nilông, vô đây em dù trời khuya anh vẫn đưa em về, anh vẫn đưa em về”. Mỗi lần nghe hai chị em đều cười khúc khích vì thấy cái quần nilông ngộ ngộ.
Tôi thích ngủ lúc trời mưa bởi âm thanh của tiếng mưa nghe như có nhạc. Và nếu ngoan ngoãn ngủ xong, thức dậy nếu còn mưa tụi tôi sẽ được chơi trò thả thuyền. Cái trò mà không phải đứa con nít nào bây giờ cũng được thấy và được chơi. Những ngày mưa đồng nghĩa với việc khỏi phải ra nhà tắm tắm vì những lúc đó mẹ sẽ pha cho chị em tôi một thau nước ấm thật lớn đặt ở nhà bếp. Nhà đất nên khi tắm nước có văng ra ngoài cũng rút hết. Từng đứa một nằm ngửa trên đùi mẹ để mẹ gội đầu cho, xong rồi còn ngâm mình trong thau.
![]() |
Ảnh minh họa từ wallcoo.com |
Tôi chỉ ghét mưa vì mưa làm mẹ tôi ướt sũng khi không kịp tìm chỗ đụt mưa trên đường đi làm về và mưa làm tốc mái lá nhà tôi, mưa khiến bà trượt ngã khi chúng tôi thả thuyền xong rồi mà nước không chịu rút. Mỗi mùa mưa đi qua là mỗi lần tích tụ kỷ niệm.
Khi mưa dứt cũng là lúc tôi dắt tay nhỏ em chạy băng sang nhà bà cô bên cạnh. Mẹ quát: “Dắt em chạy đâu, không khéo trượt té bây giờ”. Tôi hồn nhiên đáp: “Con dắt em đi ăn chực”. Mẹ chỉ biết nhìn theo dáng lùn lùn của con chị và gầy còm của con em mà cười tủm tỉm: “Con nhà ai khôn dữ vậy”.
Rồi ai cũng phải lớn, tôi soi gương hỏi mẹ sao mình nhanh lớn dữ vậy. Mẹ cười nói: “Ăn như heo kêu hổng lớn sao được”. Chứ tôi biết để có tôi của ngày hôm nay, mẹ phải tốn nhiều công sức lắm. Rồi tôi đi học, ba đưa mẹ đón. Ngồi sau lưng mẹ trên chiếc xe đạp cũ mà tuổi nó xấp xỉ tuổi tôi, tôi thấy mẹ quả thật kỳ tài. Mẹ không than mệt khi đột ngột tăng tốc đạp thật nhanh để lấy trớn chuẩn bị lên cầu cũng như khi gặp gió ngược. Tôi ước một ngày mình lớn thêm chút nữa, đủ sức chở mẹ vượt qua nhiều con dốc hơn ngày xưa mẹ từng chở tôi.
Thú thật tôi rất khâm phục ba. Lúc chị em tôi còn nhỏ, ba tôi còn làm thợ mộc, trong tay ba những mảnh gỗ như nhuốm phép thần kỳ khi biết kết hợp với nhau thành cái tủ đựng quần áo cho chị em tôi, thành cái kệ cho mẹ đựng đường, muối, bột ngọt và còn thành chiếc hộp cho bà cất tấm hình kỷ niệm của ông, hình bác Tư, bác Năm đã hi sinh trong hai cuộc chiến.
Những tấm hình đó úa màu cả rồi nhưng với bà là báu vật. Bà quý và sợ mất lắm nên khi ba cùng chị em tôi làm chiếc hộp tặng bà, bà xúc động rơi nước mắt. Công của chị em tôi trong chuyện này be bé thôi, chỉ là giúp ba giữ bí mật khi bà hỏi: “Sao tao thấy có miếng ván mà mày bào tới bào lui hoài cũng không vừa lòng vậy?!”.
Hình như người già cũng giống con nít vì tôi thấy bà thỉnh thoảng hay khóc giống chị em tôi. Mà bà chỉ khóc lén, chảy nước mắt thầm chứ không bù lu bù loa. Lúc đó tôi nghĩ nếp nhăn trên khóe mắt, khóe môi của bà sẽ làm bà đau nếu bà khóc lớn vì khi bà khóc những nếp nhăn ấy như càng nhăn nhúm hơn.
***
Mùa mưa thường đi kèm với mùa nước nổi. Đó cũng là mùa tựu trường. Cứ chập tháng 7, 8 nước dâng cao, hầu như năm nào cũng vậy. Nhà tôi dập dềnh trong nước. Tôi thấy chân tay mẹ ửng đỏ và mỗi tối mẹ phải ngâm phèn rất lâu. Mẹ bảo bị “nước ăn chân”. Tôi lại thắc mắc nước cũng có miệng để cắn chân mẹ lở loét thế kia sao?
Những lúc ba đi dạy, bà đi vườn, mẹ phải đèo theo chị em tôi cùng đi làm với mẹ. Khỏi nói là tôi thích biết chừng nào vì xí nghiệp mẹ làm toàn là giấy, chất rất cao gần đụng cả nóc nhà. Chúng tôi tha hồ leo trèo lên đó mà tưởng tượng mình đang ngất ngưởng trên đỉnh núi. Núi trong lòng tôi là núi cạctông, núi được làm từ những thùng đựng mì vị hương, núi từ những quyển truyện Đôrêmon rách còn nửa cuốn nhưng không rong rêu nên dễ trèo vô cùng. Tôi chinh phục núi nhiều lần mặc cho mẹ mắng giấy chất lâu ngày bụi lắm.
Đi riết thành quen đến lúc mẹ trực ca đêm nhỏ em cũng đòi theo, mẹ đành chở nó đi, để rồi ra đó nó nhớ ba và chắc là nhớ tôi nữa nên đòi về. Khi tôi làm quen với con chữ mẹ lại len lén bóc “núi ngày xưa” đem về cho tôi đọc. Đọc xong mẹ lại len lén trả. Vì vậy quà của tôi mỗi lần mẹ đi làm về không phải bánh kẹo mà là những quyển sách tưởng chừng như vứt đi rồi ấy.
Bốn năm xa nhà học đại học, tôi không lúc nào nguôi nỗi nhớ gia đình. Nhất là những lúc buồn, kỷ niệm thời thơ ấu lại ùa về sưởi ấm lòng tôi. Nó giúp tôi lấy lại thăng bằng sau những sóng gió của cuộc sống, vì biết rằng sau lưng mình còn có những người thân luôn dành cho mình tình yêu thương vô bờ bến.
NGÔ PHƯƠNG QUỲNH
(theo teen.tuoitre)