Cách yêu thương khác nhau
Mẹ chồng muốn bạn ở nhà chăm sóc con trai bà thật tốt, thật chu đáo và không nhất thiết phải thể hiện năng lực ngoài xã hội.
Khi nhìn thấy con dâu bận bịu đến mức không thể nấu được một bữa cơm ngon cho con trai mình thì có người mẹ nào không thấy xót xa. Chồng bạn dễ nết, chẳng ngại những gói mỳ, những đồ ăn sẵn…. nhưng với mẹ chồng, điều đó có nghĩa là con dâu mình không làm tròn bổn phận của người vợ.
Xã hội càng phát triển thì đòi hỏi người phụ nữ phải gánh trên đôi vai mình nhiều gánh nặng hơn. Kiếm tiền, khẳng định vị trí xã hội, giữ gìn hạnh phúc gia đình, chu toàn mọi việc nhà, nuôi dạy con cái… trở thành việc của cả hai giới.
Dạy dỗ và chỉ bảo thế hệ sau
Vấn đề giáo dục thế hệ thứ 3 trong gia đình là một nhân tố kích động mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thêm phức tạp.
Ông bà nội thường quan tâm, yêu thương cháu đích tôn hơn cả yêu con đẻ của mình. Tất cả hy vọng và yêu thương đều được gửi gắm vào đứa trẻ. Con trai còn bé bỏng trong mắt ông bà nên các cháu càng cần che chở, chăm sóc, vô hình trung ông bà đã chiều chuộng cháu thái quá, làm thay cho cháu mọi việc.
Cha mẹ ít thời gian hơn, phải lo lắng nhiều chi phí cho cuộc sống hơn nên không kề cận nhiều với con. Họ mong muốn giáo dục con tự lập, biết cách tự chăm sóc và bảo vệ mình, đòi hỏi đứa trẻ trở thành người lớn sớm.
Tính đặc thù của mối quan hệ
Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đặc biệt ở chỗ 2 người phụ nữ cùng lo và chăm sóc cho một gia đình nhưng lại không chung dòng máu như cha mẹ đẻ. Đó là mối quan hệ trung gian nên nó không có tính ổn định như quan hệ ruột thịt và không có tính thân thiết của quan hệ vợ chồng.
Mối quan hệ hoàn hảo đều dựa vào một người: “Mẹ chồng vì con trai mình mà yêu thương con dâu, nàng dâu vì chồng mình mà kính yêu mẹ chồng”.
Bất đồng về lợi ích
Khi phải “nhường” tình yêu thương và quyền kiểm soát kinh tế của con trai cho con dâu cần có thời gian để những người làm mẹ chồng thay đổi và thích ứng. Nhiều người không chịu được sự thay đổi đó. Cũng có người không chịu lùi bước để con dâu “thay thế” một vài vị trí của mình khiến nảy sinh mâu thuẫn.
Chưa thích ứng được với gia đình chồng
Trước khi về nhà chồng, nàng dâu có cuộc sống, thói quen sinh hoạt riêng. Lấy chồng là bắt đầu một cuộc sống mới, theo nếp sống của gia đình chồng, cần có thời gian, quá trình tìm hiểu cũng như sự giúp đỡ đến từ các thành viên trong gia đình chồng. Nếu như cô dâu mới không thích ứng kịp với sự thay đổi đó hoặc không được gia đình chồng tiếp nhận sẽ khiến cho mối quan hệ căng thẳng.
Mất cân bằng vị trí trung gian
Trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu, người con trai – người chồng đứng ở vị trí trung gian vô cùng quan trọng. Nếu họ phát huy hết vai trò của mình có thể tăng cường sự bền chặt tình cảm giữa mẹ và vợ.
Theo Nhược Lan
TGPN