Lần đầu tiên mẹ bị cô giáo mời vào trường để “trao đổi” việc con – lớp trưởng – đã đẩy bạn té trong khi xếp hàng.
Thế nhưng, khi cô hỏi thì con chối biến, lại còn bảo bạn tự té. Cô không bắt phạt, chỉ yêu cầu con xin lỗi bạn nhưng con đổ lì rồi còn khóc váng lên, tức tưởi ra chiều oan ức. Mẹ buồn và giận lắm nhưng về nhà vẫn cố nói chuyện phải trái cho con hiểu, việc khóc lóc “ăn vạ” như thế không hay chút nào! Con nhận lỗi, mặt đẫm nước mắt.
Mẹ bảo, sẽ nói với cô không cho con làm lớp trưởng nữa. Mẹ vừa dứt lời, con đã khóc thét lên và hốt hoảng van lơn: “Mẹ có thể đánh, phạt con bao nhiêu cũng được nhưng đừng nói với cô không cho con làm lớp trưởng. Con không muốn bị mất mặt với bạn bè”. Mẹ choáng váng. Mới tám tuổi đầu con đã có ý nghĩ sợ “mất mặt”. Sao không phải là “con mắc cỡ, xấu hổ hay là sợ quê với bạn bè”, mà lại dùng từ “mất mặt”?
Bình tâm lại, mẹ nhận thấy phần lỗi của mẹ là đã luôn nhồi hai từ “mất mặt” vào đầu óc non nớt của con từ bé rằng “con đừng làm mất mặt mẹ chứ”, mỗi khi muốn con ăn được nhiều hơn. Rồi nhiều lần mẹ dứt khoát không đưa con lên cơ quan chơi chỉ vì con nhút nhát quá, cứ bấu lấy mẹ, ai chạm vào cũng khóc nên mẹ bị mang tiếng “lanh mất phần con” làm mẹ… mất mặt quá chừng! Bắt đầu tuổi đến trường, con lại bị mẹ răn rằng “phải học thật giỏi và ngoan” để “bố mẹ không bị mất mặt khi đi họp phụ huynh cho con nghen!”…
Mẹ đã nhận ra cách giáo dưỡng không hay của mình nên sẽ phải thay đổi để con của mẹ không bao giờ còn ý nghĩ “chịu đấm ăn xôi” khi bị hai từ “mất mặt” ám ảnh như thế!
(Theo Phụ nữ)