Và khác với sự mặc cảm của những bà nội trợ xưa cũ, họ tự hào về điều đó.
Tôi gọi họ là “nàng”, để có sự phân biệt nhất định với hình ảnh cũ kỹ mà người ta thường hình dung về những “bà nội trợ” ngày xưa: những người phụ nữ lúc nào cũng đầu bù tóc rối, nhếch nhác, cáu bẳn, thức dậy từ sáng tinh mơ để nấu ăn, giặt giũ, lau nhà, ủi đồ, tắm con… rảnh rỗi thì chỉ biết nằm dài xem phim bộ hoặc phim dài tập trên truyền hình, lạc hậu và thua sút chồng về kiến thức chuyên môn lẫn xã hội…
Mặt khác, cũng phải chú thích ngay rằng họ cũng không phải kiểu phụ nữ được nuông chiều bởi những ông chồng kiếm được nhiều tiền, giao khoán con cho vú em và không bao giờ động tay vào việc nhà mà chỉ tập trung vào việc shopping, spa, la cà giao tiếp…
Bếp của họ trang bị đầy đủ những dụng cụ làm bếp hiện đại nhất
“Những nàng nội trợ kiểu mới” này là những… nàng nội trợ thực sự.
Họ tốt nghiệp đại học, thậm chí cao học ở Việt Nam và nước ngoài, nhưng lại sẵn sàng rời bỏ công việc với mức lương cao để ở nhà chăm con và làm nội trợ. Họ giỏi may vá và có tài nấu ăn… thần sầu, từ các món Việt, Âu, Hàn, Nhật. Bếp của họ trang bị đầy đủ những dụng cụ làm bếp hiện đại nhất. Họ tự tay tắm con, cho con ăn, dỗ con ngủ, tự tay nấu những món ăn chồng thích…
Tuy nhiên, họ không phải thức khuya dậy sớm, giặt giũ nấu nướng, ủi đồ đầu tắt mặt tối như bà ngoại của họ xưa kia. Tất cả đã có máy móc hỗ trợ và họ thường có một người giúp việc trong ngày hoặc theo giờ. Họ có vai trò giống như một người quản lý gia đình nhiều hơn là một osin cao cấp. Họ xếp đặt việc chợ búa, tự tay thực hiện những món ăn ưa thích. Nhưng họ không đắm mình vào việc nội trợ mà hưởng thụ nó như một niềm hạnh phúc.
Một số lên kế hoạch làm việc bán thời gian ở nhà. Một số phát hiện ra khả năng khác của mình và quay sang điều hành một công việc kinh doanh tại gia, hoặc trên mạng. Một số tận dụng thời gian để học thêm ngoại ngữ. Một số lên kế hoạch nâng cao để có thể trở lại với công việc chuyên môn sau khi con đã đi học nhà trẻ hay lớp một. Có người xem nội trợ như một công việc tạm thời, nhưng cũng có người mãn nguyện và sẵn sàng cống hiến cho việc nội trợ suốt đời.
Cô ngày càng xinh tươi, mơn mởn, dù đã hai con và suốt ngày lu bù con cái
M. Thy vốn là một phóng viên năng động mảng văn hoá văn nghệ. Ngày cô được nhận vào chính thức sau một năm thử việc ở toà soạn cũng là ngày cô biết mình có thai. Sau bốn tháng nghỉ sinh con đầu lòng, cô đi làm trở lại. Đứa con được giao cho cô giúp việc trông coi. Ngày thứ ba, đang họp báo thì Thy nhận được điện thoại báo về ngay vì bé bị sặc sữa. Việc không nghiêm trọng, chỉ là cô giúp việc quá hốt hoảng.
Nhưng sau vụ đó, Thy đã cùng chồng có một cuộc trò chuyện nghiêm túc, sâu sắc, thẳng thắn. Và ông xã ủng hộ Thy nghỉ việc ở nhà chăm con. Kế hoạch trước mắt là hai năm. Vì nhà có sẵn người giúp việc nấu ăn, giặt giũ. Thy chỉ tập trung lo cho con: ăn, ngủ, chơi. Khi rảnh Thy vẫn có thể viết lách chút ít, gửi bài cộng tác cho báo. Thu nhập từ nhuận bút không cố định nhưng vẫn có đều đều. Anh Tuấn, chồng Thy thoả thuận rằng tiền nhuận bút là tiền chi tiêu riêng của Thy, còn tất cả chi tiêu trong nhà đều do anh lo.
Vậy mà thấm thoắt, Thy đã có thâm niên 5 năm làm… nội trợ, với hai đứa con, một năm tuổi, một tám tháng. Ai gặp Thy cũng nói cô ngày càng xinh tươi, mơn mởn, dù đã hai con và suốt ngày lu bù con cái. Thy nói, khi đứa nhỏ được hai tuổi, cô có thể cho con đi nhà trẻ và đi học thêm một năm nữa, trước khi trở lại làm việc.
Linh Đan thì khác. Tốt nghiệp cao học ở Anh và về làm quản lý khách sạn ở một khách sạn bốn sao. Linh Đan quyết định nghỉ từ khi mang bầu tháng thứ năm. Cô có kế hoạch nghỉ việc hai năm. Tuy nhiên, tới giờ, cô đã ở nhà gần bốn năm và không có ý định quay lại với công việc. Tranh thủ học nấu ăn, thêu thùa, may vá, làm bánh…
Dần dần, Đan phát hiện ra mình mê mẩn các loại bánh, đồng thời cô cũng nhận ra thị trường tiềm năng các dụng cụ làm bếp và cô bắt đầu sàng lọc, nhập hàng về từ châu Âu để bán lại qua mạng. Hiện tại do bận con cái nên cô cũng chỉ phát triển một cách cầm chừng để có thể quản lý được. Nhưng Đan tin rằng giờ cô cảm thấy đam mê việc này, và quyết định không trở lại công việc cũ.
Họ không đắm mình vào việc nội trợ mà hưởng thụ nó như một niềm hạnh phúc.
|
Hẹn gặp Linh Đan vào lúc 11h30 tại một quán càphê sang trọng ở Phú Nhuận. Đan nói cô thường không ở nhà giờ này. Đứa lớn đang ở nhà trẻ, đứa nhỏ thì ngủ. Cô tắm con lúc 10h30, sau đó cho bé ăn rồi dỗ ngủ. Người giúp việc sẽ trông chừng trong khi bé ngủ. Khoảng thời gian buổi trưa là lúc Đan… hẹn hò, bữa thì hẹn chồng đi ăn trưa, bữa thì bạn hay đồng nghiệp cũ, bữa thì offline… Bữa thì mua sắm. Đến 2 giờ chiều, Đan về nhà vừa lúc con thức dậy và chuẩn bị cho con ăn bữa xế. Buổi tối là khi Đan xử lý các đơn hàng.
M. Thy thì giờ tự do lại là buổi tối. Thy nhờ anh chị ruột, hai vợ chồng lớn tuổi rảnh rỗi trông bé con hai tuổi của cô khoảng từ 7 đến 9g. Giờ đó bé chỉ uống một cữ sữa và chơi khá ngoan. Thy không bao giờ đưa con đi dự đám cưới hay tiệc tối như bạn bè, vì cô đã ở nhà và chơi với bé cả ngày, những buổi đưa con đi chơi công viên được thiết kế riêng. Giờ đó, chỉ có hai vợ chồng… tung tăng. Thy nói mình là người thích tập trung. Vì vậy cô lên kế hoạch cho đời mình một cách tự tin. Cô nói, năm năm làm nội trợ cũng giống như cô nhảy việc một lần vậy. Có khi, trong năm năm làm nội trợ cô còn học và hoàn thiện mình nhiều hơn so với năm năm đi làm trong một công việc nhàm chán nào đó.
Khi trò chuyện với những bà nội trợ kiểu mới, như M. Thy, hay Linh Đan. Tôi nhận ra rằng họ có hai đặc điểm chung:
Một, chính họ chọn lựa ở nhà, chứ không hề bị bắt buộc. Trở thành một người nội trợ là tự nguyện và trên cơ sở thoả thuận giữa hai vợ chồng. Họ làm việc họ muốn sau khi đã suy xét. Và khi đã chọn lựa, họ hạnh phúc và tự hào với lựa chọn của mình.
Hai, họ có những ông chồng hiểu và tôn trọng một cách sâu sắc công sức của việc nội trợ. Những nàng nội trợ kiểu mới không chấp nhận làm những công việc không tên mà chẳng bao giờ được ghi nhận như bà, mẹ của họ trước kia.
Những nàng nội trợ kiểu mới. Họ phải có những ông chồng kiểu mới.