Chị Hiền là một ‘nạn nhân” trong trường hợp đó. Vì chồng chị là con trai duy nhất trong gia đình, nên ngay từ khi mang thai, mọi nhất cử nhất động của chị đều được mẹ chồng “để ý” kĩ lưỡng.
Lúc đầu, chị còn thấy vui vì được mẹ chồng quan tâm hết mực, vì thấy bà cũng yêu thương mình và lo lắng cho đứa cháu, nên tinh thần chị rất thoải mái. Không biết có phải vì thế không mà suốt thời kì mang bầu chị rất ít khi đau ốm, hay có cảm giác nặng nề như những người khác. Chị cứ nghĩ, mình khỏe mạnh thế này, chắc đứa con sinh ra cũng bụ bẫm lắm.
Số chị cũng thật may mắn khi đứa con đầu lòng đã là con trai, kháu khỉnh. Vậy là chị đã có thể thở phào, chị yên tâm tận hưởng nốt những “ngày yên, tháng đẹp”.
Nhưng mang thai là một chuyện, còn sinh con ra và nuôi dưỡng nó lại chuyện khác. Không biết có phải vì chị mang thai “dễ” quá hay không, mà việc chăm con của chị lại khó khăn đến thế.
Mới có mấy tháng tuổi, mà bé ốm lên ốm xuống, khiến chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Bệnh thì không có gì là nghiêm trọng, mỗi cái bé hay ho và cảm cúm, thành ra lúc nào trông bé cũng nhợt nhạt và yếu đuối.
Không chỉ thế, bé lại khá “trái tính”, ngày thì bé ngủ rất ngoan, nhưng hễ cứ tối, nhất là đêm là bé bắt đầu ho và quấy, nhiều khi bé hờn hết nước mắt, khiến chị đứng ngồi không yên.
Bao nhiêu “nhàn nhã”, nhẹ nhàng thời mang thai, bao nhiêu sức khỏe của chị, cũng theo những trậm ốm quặt quẹo của bé mà đi cả.
Thế nhưng với chị, đó chưa phải là một áp lực, nỗi nặng nề khiến chị mệt mỏi nhất lại từ phía mẹ chồng.
Bà thương cháu, chị biết, bà lo cho nó, chị cũng hiểu, nhưng từ việc lo cho cháu, “xót” cháu, bà quy hết trách nhiệm cho chị. Chị làm theo bà cũng trách, không làm theo bà cũng trách. Bao nhiêu yêu thương ngày trước giờ dành cho bé hết rồi, còn chị, chỉ có thể đón nhận từ bà những lời hờn trách, thậm chí là mắng nhiếc.
Mới sáng ngày ra, còn chưa kịp “xả hơi” sau một đêm thức trắng trông con, chị đã bị bà mẹ chồng “hát” cho một bài rõ hay: Hôm qua tôi đếm thấy nó ho phải đến mấy chục lần, gớm chị làm mẹ kiểu gì mà để nó ho như thế. Cháu tôi chứ có phải ai đâu mà chị không biết xót. Đã bảo cho nó uống thuốc mà không nghe. Cố chấp, nó mà làm sao, thì chị cứ liệu…
Nhưng rồi, mâu thuẫn cũng từ đó mà ra (ảnh minh họa)
Chị nghe mà buồn phát khóc. Làm mẹ chị cũng lo lắng và buồn lắm chứ, vậy mà mẹ chồng chị không những không hiểu, còn trách chị.
“Xót” con, “cứ nhè mẹ mà đánh”
Không như chị Hiền, bị mẹ chồng “chỉnh” cho “méo mặt”, chị Ngọc lại bị chồng “chỉnh” theo cách khác.
Anh vốn khó tính, nhất là trong chuyện chăm sóc con cái, anh đã nói một, thì chị đừng có mà bàn hai. Anh quý con, thương con, nên hễ nó mà có xơ xát gì, thì phải biết tay anh.
Thậm chí, có người chồng còn đam tâm đánh vợ chỉ vì… thương con (ảnh minh họa)
Bình thường, đùa vui với con thì không làm sao, nhưng hễ nó mà kêu khóc, hay đụng ngã thì anh đùng đùng nổi giận như lửa. Mà con nít, hiếu động, chơi đùa, vấp té là chuyện bình thường, làm sao mà tránh cho được.
Thế nhưng, với anh, làm mẹ không thể để con nó bị ngã. Mà điều đó có xảy ra thì là vợ đoảng, không biết chăm con. Như thế, cùng với những tiếng thét của con là những cái tát tai của anh dành cho chị, dù nhiều khi, nó cũng chẳng phải lỗi gì ở nơi chị.
Lúi húi nấu cơm trong bếp, chị lại phải để mắt đến con cho anh còn sửa sang mấy thứ. Khú nấu nấu nướng nướng kiểu gì chị để nó ngã từ trên giường xuống. Cũng may, cái giường thấp nên bé không việc gì, chỉ hơi đỏ trán một chút.
Nhưng con nít thì cứ ngã là chúng la to như được mùa, mà càng dỗ, chúng càng la. Phải tội, chị sợ anh nghe thấy, lại ầm cửa ầm nhà, nên chị ra sức dỗ, nhưng càng dỗ, nó càng làm hơn, khóc to hơn. Anh nghe thấy, chạy vội xuống. Vừa xót con, lại vừa tức vợ, đã dặn thế mà còn lơ lễnh, tiện tay anh bạt luôn cho chị mấy cái, khiến chị ấm ức mà không biết “kêu” than với ai, thôi thì đành “nuốt” vào trong cho nhà cửa ấm êm.
Mỗi người một cách yêu thương con khác nhau, nhưng đừng vì thế mà vô tình tạo nên áp lực cho người khác, có như thế, gia đình mới thuận hòa và ấm êm.
(Theo Eva)