Ngày 13/4 vừa qua, tại Hội nghị Thiên văn học Quốc tế diễn ra ở Glasgow, Tiến sĩ Geraint Jones thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian của trường Đại học London đã trình bày kết quả đo đạc kích thước của sao chổi theo một phương pháp mới.
Thay vì sử dụng chiều dài của đuôi để đo độ lớn của sao chổi, các nhà khoa học dựa vào kích thước của vùng không gian bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của ngôi sao đó. Đây chính là vùng nhiễu động từ bao quanh sao chổi được tạo ra khi các luồng khí ion phát ra từ nhân sao chổi tương tác với các hạt siêu tốc trong gió mặt trời và đột ngột chặn cơn gió này lại.
Theo tiến sĩ Jones, để vượt qua được vùng nhiễu động từ bao quanh McNaught, tàu vũ trụ Ulysses đã phải mất tới 18 ngày, trong khi với sao chổi Hyakutake – ngôi sao giữ kỷ lục về độ lớn từ trước đến nay, thời gian để đi qua vùng nhiễu động từ chỉ là 2,5 ngày.
Những dữ liệu sử dụng để phân tích được lấy từ tàu vũ trụ Ulysses, vốn được dùng để nghiên cứu Mặt trời trong một dự án kết hợp giữa Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) và NASA.
Sao chổi McNaught (số hiệu C/2006 P1) được nhà thiên văn học người Australia Robert McNaught phát hiện ra vào ngày 7/8/2006. Đến đầu năm 2007, nó trở thành ngôi sao sáng nhất có thể được nhìn thấy được từ Trái đất trong suốt 40 năm.
Theo cách đo mới này thì Sao chổi McNaught sẽ là sao chổi lớn nhất trong hệ mặt trời.
Cao tín Bt
Theo Science Daily / vietbao