Theo hãng tin BBC (Anh), Phoenix đã ‘trình làng’ thế giới vào tháng 8 năm 2007 và bắt đầu thực hiện sứ mệnh khám phá hành tinh đỏ sau khi hạ cánh thành công gần cực bắc sao Hỏa vào ngày 25-5-2008. Tuy nhiên, Phoenix đã mất liên lạc với Trái đất vào đầu tháng 11 năm 2008.
Sứ mệnh làm việc của Phoenix được hoạch định trong thời gian 3 tháng, nhưng nó đã làm việc kéo dài hơn 5 tháng. Trong quá trình hoạt động, robot Phoenix đã đào, xúc, nướng, ngửi và nếm đất sao Hỏa, nó phân tích những thành phần hóa học có trong mẫu đất nhằm tìm thêm những bằng chứng có sự sống trên hành tinh này.
“Tàu thăm dò sao Hỏa Phoenix đã thành công trong những đợt khảo sát và vượt ‘tuổi thọ’ hoạt động của nó”, ông Fuk Li, giám đốc Chương trình thám hiểm sao Hỏa tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở thành phố Pasadena, bang California, Mỹ nói.
Các nhà khoa học NASA cho biết sau khi phân tích một hình ảnh mới được chụp trong tháng 5-2010 bởi HiRISE – camera chụp ảnh có độ phân giải cao của Tàu Quỹ đạo trinh sát sao Hỏa (MRO) – vệ tinh thứ hai của NASA – đã thấy Phoenix đã bị hư hỏng nặng.
Phoenix bị bao phủ bởi lớp băng cacbon đioxit (CO2), trọng lượng lớp băng có thể đã làm uốn cong và làm vỡ các tấm thu năng lượng mặt trời của tàu và dần dần Phoenix ‘đã chết’ trong điều kiện mùa đông băng giá và khắc nghiệt trên sao Hỏa.
Phân tích bức ảnh chụp năm 2010 cho thấy Phoenix đã bị hư hỏng nặng. Ảnh: NASA/JPL-Caltech.
Phoenix là tàu thăm dò thứ sáu đổ bộ thành công lên bề mặt sao Hỏa kể từ khi Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch thăm dò hành tinh này vào những năm 1970 bởi các robot Viking.
Một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất của Phoenix là đã tìm thấy thành phần hóa học perchlorate có trong đất sao Hỏa, nó tạo ra một môi trường khắc nghiệt đối với sự sống, đây là chất ôxy hóa rất mạnh gây độc hại cho con người.
Đ.T.V / BBC / Reuters
(theo vietnamnet)