Một hố trống thần bí vừa được kính thiên văn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu phát hiện trong khi nó đang tìm kiếm những ngôi sao mới hình thành.
Theo National Geographic, hố trống này nằm trong tinh vân có tên gọi là NGC 1999. NGC 1999 là một tinh vân phản xạ, được chiếu sáng bởi một ngôi sao nằm ở gần đó.
Vào tháng 12/1999, kính thiên văn vũ trụ Hubble đã chụp được bức ảnh đầu tiên của tinh vân NGC 1999. Khi đó, các nhà thiên văn đều cho rằng, điểm đen được tìm thấy trong tinh vân này có thể là một cột bụi và khí có nhiệt độ thấp hơn. Và do mật độ của nó quá dày nên đã ngăn cản ánh sáng xuyên qua.
Tuy nhiên những bức ảnh mới nhất do kính thiên văn vũ trụ Herschel của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu chụp tinh vân này đã chứng minh rằng, cột khí và bụi kia sự thực là một hố trống.
Herschel quan sát qua tia hồng ngoại, nhờ đó nó có thể xuyên qua các lớp khói bụi dày đặc để nhìn thấy những vật thể bên trong. Tuy nhiên, dù vậy, kính Hershel vẫn chỉ cho thấy một màu đen kịt bên trong khối vật chất này.
Các nhà thiên văn học cho rằng, hố trống này có chiều rộng khoảng 0,2 năm ánh sáng và được hình thành từ quá trình ra đời bất thường của một phôi thai sao gần đó có tên gọi là V380 Ori.
Kính thiên văn vũ trụ Herschel. Ảnh: CSA. |
Theo các nhà khoa học, ngôi sao này đang phun những cột khí có tốc độ cực lớn ở hai cực nam bắc nhằm vứt bỏ những “vật liệu” thừa. Điều này cho thấy, ngôi sao trẻ này đang “trưởng thành”.
Chuyên gia thiên văn học Tom Megeath, thuộc Đại học Toledo nước Mỹ, người đứng đầu công trình nghiên cứu này nói: “Chúng tôi cho rằng, ngôi sao này đang phóng ra những dòng lưỡng cực với tốc độ hàng trăm kilomet mỗi giây và chúng đang va chạm mạnh với những hố trống khổng lồ ở trong các đám mây xung quanh.
“Về bản chất, những dòng khí này được phóng ra phía trước và quét sạch những bụi và khí xung quanh”.
Theo Tom Megath, kính thiên văn vũ trụ Herschel được đặt tên theo tên nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới thế kỷ 19, William Herschel.
Trong những quan sát của mình về bầu trời đêm, Herschel đã ghi lại rất nhiều điểm đen. Ban đầu ông cho rằng đây là một hố trống nhưng kết quả đó lại là một đám mây đen.
Megeath nói: “Từ đó, bất kể khi nào người ta nhìn thấy những vật thể giống như một hố màu đen trong vũ trụ, họ đều cho rằng đó là mây.
“Tuy nhiên, điều hài hước là, gần một thế kỷ rưỡi sau đó, chính kính thiên văn mang tên Herschel đã phát hiện những kết cấu mà hầu hết mọi người đều cho rằng là mây lại chính là một hố trống”.
Lê Văn / National Geographic
(theo vietnamnet)