Thời gian biểu
Sáng nào cũng như sáng nào đã trở thành “nếp” sinh hoạt của ông xã của chị Thu Hương (Thanh Xuân, Hà Nội). 6h bình minh, chạy bộ nửa tiếng, về tắm rửa rồi dắt xe đi làm, trên đường đi ăn sáng. Chuyện con ăn và đưa đi học “tất lẽ dĩ ngẫu” vợ phải lo.
Chị Hương nói trong ấm ức, trong khi chồng đang “vi vu” điểm tâm bữa sáng thì mình tất bật với chuyện đánh răng rửa mặt cho thằng cu 6 tuổi, ngồi ép nó ăn sáng vì nó lười ăn, sau đó tất tả chở đứa lớn, đứa bé đến trường.
Chiều đến, không nhận được chia sẻ của chồng đã đành lại thường xuyên nhận được những cuộc gọi, lúc thì “anh đi uống bia với thằng bạn từ Sài Gòn ra”, lúc thì “anh đi chơi tenis cho thoải mái đầu óc tí, dạo này căng thẳng quá”, lúc lại “anh phải đi gặp đối tác, tối về muộn nhé”….
Nhiều lúc “tặc lưỡi” cho qua để cuộc sống bớt căng thẳng. Nhưng điều mình lo lắng là thời gian trôi nhanh mà không cân đối được thời gian cho con, chơi với con, trò chuyện để hiểu tính cách chúng thì khoảng cách giữa cha và con ngày một…xa, chị Hương nói.
“Chồng bận làm, bận tiếp khách nên sau giờ công sở mình phải chạy đón hai đứa con ở hai nơi khác nhau, sau đó về nấu cơm tối. Ăn cơm xong, rửa bát, dọn dẹp, lại phải chong mắt lên ngồi xem con học hành tới đâu. Có những lúc, hợp đồng dịch mang về nhà lại bỏ xó vì con ốm, sốt” – chị Hương ấm ức kể.
Chồng chị Quỳnh làm giám đốc một công ty tư nhân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Một ngày làm việc của anh rất tất bật, cứ 5 phút lại “alo” trả lời điện thoại khách hàng, lúc nào cũng hai cái di động réo một lúc.
Dù mỗi tháng anh kiếm được 30 triệu, nộp gần hết cho vợ, nhưng trái lại – anh không động tay động chân vào bất kỳ một việc gì trong nhà. Bởi vậy, thời gian chơi với con, dạy con học…là chuyện không tưởng.
Bởi, ngày nghỉ cuối tuần là những ngày công ty đông khách ra – vào, thế nên, có dẫn con đi chơi thì đó là việc của chị, anh làm gì có thời gian, kể cả sức khoẻ và sự thư thái mà đi chơi nữa.
Có cằn nhằn thì anh nói “giờ đang còn trẻ, có sức khỏe thì phải làm chứ. Mai mốt già có muốn làm cũng không làm nổi…”. Thấy anh nói cũng có phần đúng nên tôi cứ một mình chăm con, đưa con đi học, rồi đi chơi mà không có chồng ở bên.
Gặp chị Thu Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) tại bể bơi một khách sạn 3 sao. Thấy chị dẫn hai con (một trai một gái) đi học bơi, hỏi sao chồng chị không đi dạy bơi cho các cháu, chị cười: “hắn” đang chơi tenis ở sân bên kia. Ý chừng ấm ức, chị bồi thêm: cứ tưởng đẻ cố thằng con trai thì sẽ khác, ai ngờ kể cả khi sinh quý tử cũng không thèm chăm con lấy một ngày. Nói rồi chị nhìn xa xăm, về phía có lác đác vài ông bố đang cần mẫn chỉ con đi tập bơi mà…thèm.
Những hệ lụy?
Một trung tâm tư vấn tâm lý kiêm thám tử tư đã phải đau đầu giải quyết một vụ việc cháu trai tên Tuấn học lớp 12 ngang nhiên “yêu” một bạn trai cùng lớp để chọc tức bố mẹ. Bà mẹ rất hoảng hốt vì tưởng con mình bị đồng tính thật.
Sau khi điều tra, người mẹ mới sững người khi biết được nguyên nhân. Hoá ra, Tuấn được mẹ yêu chiều từ tấm bé, bố đi công tác liên miên. Hàng ngày, chỉ có mẹ chăm sóc, gần gũi, lo cơm nước, học hành, giặt giũ quần áo. Tuy đã học cấp ba, nhưng Tuấn chỉ thích ngủ với mẹ vì đã quen như thế từ bé. Khi bố Tuấn ở nhà thường xuyên hơn, cậu ta bắt đầu tỏ ra khó chịu và đã giả vờ yêu cậu bạn trai cùng lớp để mẹ phải chú ý.
Theo phân tích của các nhà tâm lý, những người cha hiện đại ngày nay tuy kiến thức đầy mình, thành đạt, giàu có nhưng kiến thức làm cha rất i tờ. Họ tưởng rằng, chỉ cần chu cấp tiền bạc cho con học hành và ăn uống đầy đủ là đã hoàn thành trách nhiệm.
Vẫn theo phân tích của các nhà tâm lý, đa số đàn ông Việt không tham gia vào chăm sóc con cái ở những điều nhỏ nhặt nhất như tắm cho con, thay quần áo cho con mỗi khi có nhiều mồ hôi hoặc dạy con làm bài tập ở bậc tiểu học. Lúc con ốm đau, việc cho con uống thuốc ngày ba lần cũng…nhường cho vợ.
Đó là chưa kể, việc dạy con những kỹ năng như đi đường cho đúng, học bơi, học giải quyết vấn đề, học xử lý tình huống, đàn ông làm tốt hơn phụ nữ, những người bị coi là cảm tính nhiều hơn.
(Theo Vietnamnet, afamily)