Khẳng định không có chuyện bùng phát học sinh giỏi ở bậc tiểu học, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu ví dụ, Hà Nội phát triển nhất cả nước về giáo dục tiểu học nhưng chỉ gần 51% học sinh đạt loại giỏi; Hải Dương nằm ở tốp đầu giáo dục tiểu học, tỷ lệ này cũng chỉ 36%; Các tỉnh Cao Bằng, Đăk Nông lần lượt đạt 15-19%.
Theo Thứ trưởng Hiển, một số lớp học 2 buổi mỗi ngày ở thành phố có tỷ lệ học sinh giỏi khoảng 90% là chuyện bình thường, thậm chí là bắt buộc vì phải tương xứng với sự đầu tư của gia đình và các điều kiện thuận lợi của địa phương, nhà trường. Thế nên ở bậc tiểu học đừng nên quá chặt chẽ, việc đánh giá nên theo hướng động viên, khuyến khích là chính.
Nhiều ý kiến cho rằng, áp lực học tập của trẻ em một phần do chính các phụ huynh gây ra. Ảnh: Tiến Dũng. |
“Hình dung con mình đi học, cứ cho loại kém, về nhà cháu buồn không học. Điều đó không tốt bởi các cháu có tâm lý thích học nhưng không nghĩ đó là trách nhiệm. Phải làm sao động viên hứng thú học tập. Các cháu giỏi có được gì đâu, chỉ được cái giấy khen nhưng lại phấn khởi, sang năm sẽ cố gắng hơn nhiều”, ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, khi học sinh Việt Nam mới đi du học thường được khen dù học tập chưa tốt lắm. Nhưng chính việc đánh giá sự cố gắng và năng lực này đã là động lực giúp các em học tập tốt dần lên. Việt Nam cũng đang tiếp cận với cách đánh giá tiên tiến này.
“Bây giờ, trọng tâm đánh giá của chúng ta vẫn là nội dung, tức là học được nhiều hay ít nhưng sắp tới sẽ chuyển theo hướng đánh giá năng lực của các em làm được gì và trên cơ sở đó xem có học tiếp được không. Phụ huynh cần hiểu đúng khái niệm học sinh giỏi ở tiểu học để không quá kỳ vọng và gây sức ép căng thẳng cho con em mình”, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Theo Tiến Dũng
(Theo Vnexpress, afamily)