Chị Ngân như trút được gánh nặng sau buổi thi học kỳ cuối cùng của Bống. Dù không đặt nặng chuyện thành tích của con nhưng rút cục chuyện thi cuối học kỳ hai của bé Bống khiến gia đình chị như vừa trải qua một chiến dịch lớn.
Ôn thi như “chiến dịch“
Một tháng trước ngày thi học kỳ hai của con, anh Thắng chồng chị đi làm về là nhắc ngay vợ: Em điện cho cô giáo con Bống hỏi xem hôm nào thi học kỳ nhé. Hôm nay anh thấy mấy người ở cơ quan nói là điểm thi học kỳ hai của tiểu học là điểm đánh giá chung cho cả năm học đấy. Mà anh thấy con Bống nhà mình chả học hành gì cả, thi đến nơi rồi còn gì.
Vốn là người theo chủ nghĩa học mà chơi, chơi mà học, nhất là với đứa con gái có cá tính như Bống nhưng chị Ngân cũng cảm thấy sốt ruột và không tránh khỏi lo lắng về cách tính điểm kiểu này. Ngay ngày hôm sau chị gọi điện cho cô giáo của bé và gia đình bắt đầu một chiến dịch ôn thi cho tất cả các thành viên.
Việc đầu tiên là chị cắt đặt chuyện đưa đón con. Mọi lần, cứ đến giờ tan học là ông bà nội hoặc ông bà ngoại đến trường đón bé, cho bé ăn nhẹ sau đó đi chơi một chút rồi mới về nhà tắm giặt, ăn cơm rồi chờ bố mẹ đến đón. Nhưng lần này để phục vụ việc ôn thi, chị khẩn khoản nói với các ông bà đón cháu xong đưa cháu về nhà, kiểm tra các bài ở trường.
Tối về, sau khi cơm nước xong, hai vợ chồng chị lại thay nhau kèm thêm Toán, chính tả, tập đọc cho con.
Hôm nào giờ học cũng kết thúc vào khoảng 10h đêm khi bé Bống đã ngáp lên ngáp xuống, mắt lờ đờ vì buồn ngủ.
“Ôn thi” cùng con. (Ảnh minh họa từ Internet)
Để tập trung vào việc học và dồn sức cho kỳ thi, chị Ngân cũng ra nghị quyết với con, chấm dứt hẳn việc xem mấy kênh hoạt hình mà bé ưa thích. Các loại sách truyện thiếu nhi mà bé hay đọc anh chị cũng cất đi một chỗ với lời hứa khi nào thi xong thì sẽ thoải mái đọc và xem hoạt hình.
Mọi hoạt động khác trong gia đình chị Ngân cũng bị điều chỉnh theo việc ôn thi của con gái, thằng cu con được di tản về nhà bà ngoại để giữ yên tĩnh cho chị Bống học bài, tránh làm phiền “sinh viên đai học chữ to”. Ngay cả anh Thắng chồng chị nếu hôm nào không dạy con học cũng tự giác xuống dưới tầng một xem ti vi nhưng phải bật thật nhỏ hoặc dùng tai nghe. Chị cũng dành thời gian lên mạng, tìm kiếm những món ăn bổ dưỡng nấu cho con để mong bé khỏe chờ ngày tốt nghiệp lớp 1.
Chuyện học hành sao mà khổ thế!
Chỉ tội cho bé Bống, đi học về là phải ngồi ngày vào bàn học bài, muốn sang nhà ông bà nội chơi gần nhà cũng không được. Tuần hai buổi, bé đến nhà cô giáo học thêm Toán, tập viết, ngay cả thứ 7 chủ nhật cũng bị “cấm túc” để văn ôn, võ luyện. Mới sau hai tuần học mà bé cứ ngơ ngác vì chuyện học. Dường như bé cũng ý thức được áp lực học hành nên cũng tỏ ra chăm chỉ, không để mẹ nhắc nhiều.
Ở bậc Tiểu học, lứa tuổi này chỉ nên học mà chơi, chơi mà học.
(Ảnh minh họa từ Internet)
Chị Ngân càng chăm chút cho con hơn khi nghe mấy chị ở cơ quan kể chuyện nhà nào cũng như đang vào chiến dịch. Con bé nhà chị Thủy tối nào cũng làm khoảng 20 bài tập toán, học thuộc lòng các bài thơ trong sách giáo khoa, còn thằng cu nhà chị Yến thì tối nào cũng đánh vật với môn Ngoại ngữ cùng mẹ sau khi học xong Toán, Làm văn. Mấy mẹ bảo nhau biết là con khổ vì học nhồi nhưng đành phải cố, sau đợt này sẽ cho con nghỉ xả hơi để bù lại những ngày học thi nhồi cấp tập.
Càng đến gần ngày thi, chị Ngân càng lo lắng vì bé Bống có biểu hiện mệt mỏi, ngủ mơ, thậm chí bé còn hay cáu kỉnh khi mẹ hỏi về chuyện học ở lớp. Hai ngày bé đi thi, hôm nào chị cũng dậy từ sớm, nấu đồ ăn cho con, chuẩn bị quần áo rồi gọi con dậy. Tự tay chị đút từng thìa cho con ăn, phá vỡ quy tắc “mẹ không xúc cho con ăn khi con đã vào lớp 1” mà chị đã đề ra.
Cũng còn may hai buổi thi của Bống diễn ra khá tốt. Sau khi nghe thông báo của cô giáo về tình hình bài thi của con, chị như trút đi được một gánh nặng, thở phào thế là xong và thưởng cho con bằng cách cho xem phim hoạt hình hết cả buổi tối.
Nhưng không may mắn như chị, con bé nhà chị Thủy lăn ra sốt đùng đùng, mê sảng ngay trước hôm thi một ngày. Con sốt nhưng theo lời cô giáo thì chị vẫn phải cố cho con đến thi vì nếu không thi thì cháu sẽ phải thi lại một mình, như thế rất bất tiện.
Chị Thủy tâm sự với chị Ngân: Xót con lắm mà vẫn phải cho con đi thi, học với hành sao mà khổ thế. Nhưng cũng không tệ bằng con chị Yến, sau khi thi xong cứ nhìn thấy sách vở là nó lẩm nhẩm rồi trốn biệt vào một góc khiến cả nhà phát hoảng và phải đưa đi khám bác sĩ tâm lý và điều trị mất một thời gian.
Eva 8
(theo eva)