Tìm hiểu mới biết, tuần trước, em đọc được một bài trên tờ nhật báo, kể chuyện dân công sở Hà Nội trở lại với đời sống “cơm cặp lồng”. Chẳng biết bài viết hay cỡ nào, mà “nàng” của anh bắt chước. Thế là mấy ngày trước ngày G, anh chẳng hiểu sao em lại lúi húi dưới bếp mà không phải vì bữa cơm chiều như thông thường. Tính tính, toán toán cái gì đó bằng cái bảng, biểu trên máy tính nữa mới ghê chứ. Khổ, vợ làm lập trình viên, tới việc làm cơm cho chồng mang đến công sở cũng được nàng lập trình mới chết.
Anh nhìn cái cà mèn em chuẩn bị sẵn, vừa thương, vừa tội, vừa cảm động mà lại mắc cười. “Thôi, anh không đem đi đâu, đàn ông đàn ang, làm vậy người ta cười chết”, chồng nhăn nhó thì vợ đã đáp: “không dám đem vì sợ mấy cô em thực tập trong cơ quan biết anh có chị xã rồi phải không?”. Trời ơi, cô nàng gói yêu thương hay gói ghen tuông vậy? Anh lý sự: cơ quan anh có căn tin, giá cũng vừa phải, các chị nấu cũng sạch sẽ, em làm chi mất công? Em đuối lý mà vẫn cố vớt vát: “Cơm vợ nấu không hợp khẩu vị hơn cơm căn tin hả”. Lý sự này thì anh thua. Chỉ có vợ anh mới biết anh thích ăn gì chứ, cô căn tin làm sao mà biết anh thích mặn, ngọt, chua, cay gì.
Nhăn nhó thì cũng phải đem cơm vô cơ quan. Đồng nghiệp suýt nữa thì… xỉu, khi thấy anh chàng hào hoa mở cà mèn cơm ra. Anh D. chọc: “Bữa nay hết tiền hả?”, chị kế toán M. cười tủm tỉm: “Hết tiền thì tui cho ứng trước nè”. Anh mắc cỡ nhưng không dám bỏ, mời các anh chị ăn chung. Người này bốc miếng thịt, người kia bốc miếng tàu hủ, nức nở khen ngon và… ăn tiếp. Cuối cùng, cái cà mèn bốc hơi, mà anh của em thì mới ăn được một muỗng …
Anh chạy qua cơ quan để đón em, bà xã tung tăng như trẻ con, chạy ra: “Anh ăn cơm hết không?”. Trời ơi, em làm như anh là thằng cún con, còn em là cô giáo của nó không bằng. Dĩ nhiên anh đâu nỡ nói ra sự thật “đau lòng” là đồ ăn của anh đã bị các đồng nghiệp quý mến “xử” hết. Em cười như trẻ được nhận quà, khiến anh vừa cảm động, vừa “hối hận” vì mình đã không “giành giựt” lại thức ăn của vợ.
Anh phải tìm đọc bài báo khiến em mất công, mất sức, còn anh thì… mắc cỡ lẫn đói bụng. Em cứ chăm chăm hỏi xem có bạn bè nào đem cà mèn tới cơ quan để ăn cơm không. Tội nghiệp, em thất vọng vì hình như, “cả Sài Gòn này chỉ có mình anh với em đem cơm đi làm à”. Em tiu nghỉu nói vậy vào đêm thứ sáu. Anh ôm em vào lòng, thấy tội nghiệp bà xã nhỏ bé của mình quá. “Em cứ nấu đi, anh đem theo được mà, ai cười hở mười cái răng của người ta”. Em hớn hở: “Thiệt hả anh?”. “Thiệt chứ sao không?”. Em còn chưa tin: “Anh ăn thiệt hay giấu cà mèn ngoài xe rồi đem đổ đồ ăn đó?”. Anh giơ tay lên trời: “Anh nói thiệt mà, hổng tin sao”.
Lấy nhau bảy năm, thằng cún đã vào mẫu giáo, dù anh nhăn nhó, trách móc thế nào, em vẫn dành nhiều thời gian cho chồng, con hơn cho bản thân mình. Anh luôn cảm ơn ông trời cho anh có một bà xã “khùng khùng” với những “sáng kiến chịu không nổi” như em (là em tự nhận đó, chứ không phải anh nói đâu nha!). Nhìn em ngủ mớ vẫn dặn anh nhớ đem cà mèn cơm theo, làm anh bật cười mà lòng cảm động. Hóa ra, hạnh phúc nhiều khi đơn giản chỉ là một lần nghe vợ, trong cơn mớ vẫn đầy đủ yêu thương trọn vẹn cho chồng.
Cảm ơn em, cảm ơn vợ vì cái trò bắt chước vừa dễ thương vừa dễ ghét này. Chắc chắn là anh sẽ không bị đau bụng, bị ngộ độc thực phẩm và… sẽ không bị “rung rinh trái tim” bởi một cô căn tin xinh đẹp nào cả. Vì anh ăn cơm cà mèn của vợ mà…
(Theo 2Đẹp)