Nên tập cho con tư duy từ trong bụng mẹ
Ngay từ khi mang bầu, mẹ đã cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết, dành thời gian trò chuyện với con, cho con nghe nhạc. Giai đoạn này rất quan trọng, mang bản chất là giai đoạn“giáo dưỡng thai”. Khi con mới được sinh ra dù chưa nghe, chưa nói được nhưng đã bắt đầu biết cảm nhận. Tiếp đến khi xuất hiện dấu hiệu biết nói thì thực sự con bạn sẽ có những biến đổi mạnh mẽ trong tư duy.
Dạy con bắt đầu tư duy như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, theo TS Tâm lý học Trần Thu Hương: “Hãy bắt đầu từ tình yêu thương, cho con tình yêu thương để con biết cảm giác được yêu thương. Khi cha mẹ san sẻ tình yêu thương cho con, con sẽ làm theo, cùng yêu quý và san sẻ tình yêu thương đến mọi người xung quanh. Làm được điều này, cha mẹ đã giúp con phát triển dần khả năng tư duy nói riêng và hình thành nhân cách nói chung.
Khi con nhỏ, bố mẹ sẽ bồng bế, ẵm con, nhìn vào mắt con, âu yếm con để con cảm nhận được tình yêu của bố mẹ dành cho con. Khi con lớn lên, nếu con đánh mạnh vào bố mẹ, hãy nói với con rằng: “Con làm thế bố/mẹ sẽ bị đau đấy”. Có thể con chưa nói được, nhưng chắc chắn con sẽ hiểu lời bố mẹ nói.
Theo TS Thụy Anh, khi học lớp 1, bé mới chỉ phát triển tư duy trực quan: nhìn những hình ảnh cụ thể mới trả lời đúng nên cần có những bộ tập đếm. Mỗi tuổi bé lại mang một tư duy chủ đạo khác. Nếu 1 tuổi bé chỉ chơi với đồ vật, thì lên 6 tuổi bé đã biết suy nghĩ và bước đầu phân tích: mình sẽ học được gì từ những điều đó.
Từ lớp 1 lên lớp 2 bé lại có những biến đổi khác biệt: lớp 1chỉ tập viết chữ cái, được một cách nắn nót và cẩn thận nhưng lên lớp 2, bé gặp khó khăn hơn khi vừa phải viết thành câu đồng thời tốc độ viết nhanh dần. Giai đoạn này bé đã có sự trải nghiệm nên xuất hiện những khác biệt trong tư duy.
Khuyến khích con hỏi nhiều
Theo TS Thụy Anh, bố mẹ nên khuyến khích con hỏi nhiều. Một trong những cách tư duy cùng con là bắt đầu từ những câu hỏi. Cha mẹ nên hỏi lại để biết con nghĩ như thế nào từ đó hiểu và có cách phân tích thích hợp nhất. Vừa hỏi vừa trả lời sẽ giúp con phát triển tư duy. Quá trình này đòi hỏi cha mẹ phải kiên trì chờ đợi bé tương tác. Sau đó bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ để lí giải cho con hiểu.
Ví như khi trả lời câu hỏi của bé “Con sinh ra từ đâu?” bạn có thể kể câu chuyện “Bố và mẹ rất yêu quý nhau. Bố tặng mẹ một hạt ngọc và đã gửi hạt ngọc đó trong người mẹ. Hạt ngọc đó lớn dần lên và sau này chính là con”.
Nếu vấn đề nào con hỏi bố mẹ chưa biết cách trả lời, có thể hoãn binh: “Đến chiều/tối mẹ trả lời” và để cả nhà cùng tìm hiểu. Tránh trả lời con nóng vội, dễ dẫn tới trả lời sai.
Không nên bực vì con hỏi nhiều. Vì con hỏi nhiều là con đang tư duy. Nhờ con hỏi nhiều, bố mẹ sẽ biết thêm được nhiều kiến thức.
Ví dụ trả lời câu hỏi: “Cá mập khác cá heo thế nào”?, với các bé dưới 3 tuổi, bố mẹ chỉ cần nói đơn giản: “Giống như con tên là Bi, khác bạn tên là Mít”. Vì với các bé dưới 3 tuổi, tư duy bằng trực quan là chính. Nếu bố mẹ càng lý giải, con càng hỏi, càng khó trả lời.
TS Thu Hương (bên trái) và TS Thụy Anh (bên phải) tư vấn cho các bố mẹ cách dạy con tư duy (Ảnh: Thu Hằng)
Con hay nói ngược lại lời bố mẹ
Theo TS Thu Hương, bố mẹ đừng quá căng thẳng với những trò nghịch ngợm của con. Trẻ em có những giai đoạn khủng hoảng tâm lý như từ 2,5 tuổi – 3 tuổi, 7 tuổi, 13 tuổi. Mẹ cứ nói một đằng, con lại làm một nẻo.
Không nên vì thế mà bố mẹ cũng nói ngược để con làm theo ý mình. Điều đó sẽ tạo thành thói quen xấu cho con. Nếu con làm điều gì đó sai trái, bố mẹ có thể gợi mở cho con bằng những câu hỏi liên quan trực tiếp tới “lợi ích” của con. Ví dụ con hay phun nước vào đồ dùng trong nhà, mẹ sẽ giao cho con nhiệm vụ dùng khăn lau cho sạch bụi bẩn trên đồ dùng. “Đây là nhiệm vụ của cháu, không ai được làm tranh. Con lau sạch tivi, sẽ xem tivi nét hơn”. Để bé thấy bé rất quan trọng, bé tự làm việc một cách thoải mái.
Ranh giới giữa kỷ luật và cưng chiều
Theo TS Thụy Anh, bố mẹ để cho con phát triển tự do, con sẽ thông minh hơn. Nhưng từ khi con biết tư duy, làm việc gì bố mẹ cũng phải có nguyên tắc để con đi vào kỷ luật. Đơn giản như buổi sáng – trưa – tối làm việc gì và như thế nào. Khi bố mẹ đã đặt ra nguyên tắc, nhất nhất phải tuân theo.
Dưới 6 tuổi, bé rất dễ làm theo những hành vi của người lớn. Nếu người lớn dễ dàng thay đổi nguyên tắc, phá vỡ nó dù chỉ một lần thì trẻ sẽ vin vào đó để biện minh khi hành động sai.
Tuy nhiên, không nên áp đặt, làm mất tự do của con. Bố mẹ cũng phải làm gương, giữ kỷ luật trước khi dạy con. Ví dụ đến 10 giờ, bố cũng nên đi ngủ sớm, không nên thức khuya xem phim để con bắt chước. Tuyệt đối không nên đánh con, trút giận của bố mẹ lên caon. Dạy con bằng kỷ luật và thông qua tình cảm.
Làm gì khi con sai?
Theo một nhà tâm lí Thụy Sỹ, “Trẻ em thiên về vị kỷ” tức là trẻ luôn muốn mình là hơn nhất, là trung tâm của thế giới. Theo TS Thu Hương, khi con không vâng lời, thay vì mắng thậm chí dùng bạo lực, cha mẹ hãy tiết chế cảm xúc, sử dụng các cách khác nhau: “giúp con nhận ra nếu làm đúng, con sẽ được hưởng lợi ích gì hoặc mất quyền lợi gì khi làm sai hay có thể đưa ra những giải pháp mà không ảnh hưởng đến lợi ích mà bé đang được hưởng. Khi con thích đổ tội cho người khác, hãy đặt ra những câu hỏi để con phải trả lời đến cùng, cho con cơ hội biện minh đến khi không còn đổ tội được nữa, để từ lần sau con sẽ hành động đúng hơn”.
Cha mẹ cần hiểu và nắm bắt được tâm lý của trẻ ở từng giai đoạn phát triển khác nhau- đặc biệt trong các giai đoạn: 3 tuổi, 7 tuổi, 13 tuổi. Mỗi bé lại có những đặc điểm riêng có. Chỉ có cha mẹ là người trả lời chính xác nhất câu hỏi dạy con tư duy cách nào là tốt nhất.
Bảo Châu (Thực hiện)
(theo afamily)