Chế tác loại tranh này đòi hỏi sự tỉ mẩn, công phu cũng như đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của hoạ sĩ, những người thợ làm tranh từ khâu vẽ mẫu, chọn đá đến khâu ghép đá thành tranh. Các viên đá đang ở dạng thô ráp phải trải qua công nghệ tẩy rửa, chuốt đá cho sáng bóng, trơn mịn. Để bức tranh sinh động, tự nhiên, việc chọn màu đá làm tranh cũng rất khó, đặc biệt là các màu đen, màu xanh. Nội dung phản ánh trên tranh đá quý thường đơn giản, là phong cảnh quê hương, đất nước như: chùa Một Cột, cầu Thê Húc…
Giá của mỗi bức tranh đá quý này tuỳ theo kích thước hay giá trị của đá gắn trên bức tranh đó. Bức nhỏ chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng cũng có những bức lớn giá trị đến hàng trăm triệu đồng. Khác với những dòng tranh khác, có thể bị mất giá trị bởi lớp bụi của thời gian, còn tranh đá quý nếu muốn như mới chỉ cần đem ra rửa, đánh bóng lại là vẫn giữ nguyên gốc giá trị. Đây là ưu điểm lớn mà nhiều người chơi tranh thích. Bởi vậy, tranh đá quý Lục Yên giờ đã xuất hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… Không ít người còn cầu kỳ tìm đến tận thị trấn Lục Yên để mua tranh, đặt làm tranh đá quý, trong đó có cả các du khách nước ngoài…
Nghề làm tranh đá quý chỉ duy nhất có ở thị trấn Lục Yên, thu hút hàng trăm lao động địa phương tham gia.
Mỗi bức tranh đá quý thể hiện tâm hồn của họa sĩ cùng với những người thợ làm tranh. |
Theo laodong