Màu xanh lục, màu trắng và những vệt ánh đỏ rất “rợ”. Hầu như không có sắc độ được điều tiết bởi màu đen. Mọi thứ “đập” thẳng vào mắt ta rất chói làm ta như bị loá. Mọi vật bị chiếu sáng mạnh, rõ mồn một lại hoá ra khó nhận dạng hơn. Đó cũng là cảm giác của nhiều người miền Bắc khi lần đầu gặp gỡ với nắng Sài Gòn. Khí trời trong hơn, độ ẩm thấp hơn làm các màu độc lập với nhau hơn, không tan hoà vào nhau bởi sắc độ nhoè mờ của khí trời sông Hồng mùa thu quen thuộc. Có người nói ánh trời Sài Gòn ấm nóng, rõ ràng không mờ tỏ khó nắm bắt như ánh trời Hà Nội; mưa Sài Gòn mạch lạc, ào một cái hào sảng, rồi tạnh ngay dứt khoát không dây dưa, dầm dề như mưa Huế… Và tính khí con người ba miền cũng như vậy! Tôi 30 năm sống ở miền Bắc rồi vào Sài Gòn cũng đã được gần 20 nhìn lại tranh mình thì đúng như các bạn trong nghề nói: Tính khí không thay đổi nhưng màu sắc trong tranh đã thay đổi nhiều, sáng ra, nhiều trắng hơn! Cái thuyết địa khí hậu quyết định bản sắc con người chắc cũng có phần hữu lý.
Trao nhau một nhành cây. (Nguyễn Phước – sơn dầu, 179 x 179cm, 1995)
|
Bức tranh này được nhà sưu tập Thái Quang Trung tặng cho bảo tàng nghệ thuật Singapore. Bảy cô gái Việt trong một căn phòng đơn sơ với cửa sổ khép hờ, rèm cửa buông trùng và một cái ghế trắng “trung lập”. Họ gần như xếp hàng ngang thành hai nhóm. Tất cả mặc áo dài, nón và khăn, kiểu tóc và dáng điệu như những chị em họ hàng một nhà. Không khí thanh cao, màu trắng tinh khiết nhẹ nhàng quá. Họ trao nhau, chia nhau một nhành lá cầu may, cầu hạnh phúc cho tất cả. Một nghi lễ đặc biệt! Hay một cử chỉ thông thường được nâng thành biểu tượng. Chỉ rõ ràng là điều hoạ sĩ cầu mong cũng là điều mỗi chúng ta cầu mong, không cụ thể nhưng rất khẩn thiết là hoà bình, hoà hợp, yêu thương. Tại sao, có cái gì phi lý đã chia cắt, gây mâu thuẫn cần hoà giải giữa những chị em xinh đẹp hiền hoà và yêu thương nhau này? Lý giải điều đó không dễ. Bức tranh ám ảnh ta về vẻ cái mong manh của những ước vọng bình thường, hiển nhiên nhất mà trớ trêu của số phận đã biến thành khó khăn cực nhọc xiết bao. Tôi nghĩ bức tranh có một sức tượng trưng sâu sắc.
Theo SGTT