Vừa nhìn thấy anh Nguyễn Quang Minh (Hà Đông, Hà Nội) phóng xe vào chợ, các chị bán hàng đã đon đả chào mời “mua thịt đi chú, khách quen chị bán rẻ nhé”, “rau này ngon lắm, rau quê đấy”, “hôm nay bé Bi ăn gì, mua con tôm to này xay ra mà nấu bột chú ạ”…Hiếm có người đàn ông nào được các chị bán hàng ở chợ Hà Đông quý như anh.
Hơn 3 năm nay, từ ngày lấy vợ, anh đảm đương luôn công việc “tề gia nội trợ” để bà xã rảnh tay lo sự nghiệp. Nhìn anh thuần thục mua từng mớ rau, con cá, lạng thịt, ai cũng khen: “Cô Chi sướng thật, có chồng đảm đang thế cơ mà!”
Anh Minh tâm sự: “Việc đàn ông đi chợ , nấu ăn cũng bình thường. Nhiều người nghĩ đấy không phải là việc của đàn ông, đàn ông phải lo sự nghiệp. Nhưng theo tôi, mình nấu ngon hơn vợ thì mình nấu cho vợ con thưởng thức. Mình biết lựa chọn thức ăn tại sao mình không đi chợ? Tôi làm giỏi hơn vợ, và cũng thích nấu nướng nữa, nên tôi muốn chia sẻ sự vất vả với vợ mình thôi”.
Lần nào về đến nhà, chị Nguyễn Hải Yến (Khương Đình, Hà Nội) cũng thấy cửa nhà sạch sẽ, mọi thứ ngăn nắp đến ngạc nhiên, không lộn xộn như mỗi sáng chị vội vàng dắt xe đi làm. Anh Lương- chồng chị bế con sang hàng xóm chơi, đợi chị về ăn cơm. Cả khu tập thể mệnh danh chị là người phụ nữ may mắn, bởi hơn 5 năm qua, chưa lần nào anh phàn nàn, kể công việc phải lo chuyện bếp núc.
Nhìn bữa cơm muộn cả nhà chị quây quần đầm ấm, ai cũng thèm muốn. Chị tíu tít kể chuyện cơ quan, hỏi han anh chuyện chợ búa…
“Tôi bận bụi việc cơ quan, hay về muộn, lần nào về cũng thấy anh chuẩn bị cơm canh tươm tất. Mà ông xã giỏi lắm nhé, không biết học ai, mà ngày nào cũng làm món ăn mới, nhiều món cầu kì lắm. Lần nào về nhà ăn cũng thấy ngon”. Chị Yến tự hào kể.
Anh Lương phân trần: “Ngày mới lấy nhau, thấy vợ tất tả hết đi làm, đi chợ, về đã mệt nhoài, không còn muốn ăn uống gì, mình thương lắm, nên tập tành đi chợ. Ban đầu còn ngại, chỉ đi thứ bảy, chủ nhật cho vợ ngủ bù, sau thì thành quen. Đi chợ nhiều, cả chợ ai cũng biết mặt, đến đâu cũng hỏi han quan tâm, cũng vui”.
Với anh, chỉ những người đàn ông nào yêu gia đình mới bỏ qua được những rào cản trong suy nghĩ, để chăm vợ, chăm con. Giúp bà xã một tay, vun vén cho gia đình đầm ấm mới là hạnh phúc.
Bí quyết “giữ lửa hạnh phúc”
Những ngày đầu mới thay vợ đi chợ, thật sự là một thử thách với anh Bùi Xuân Tiến (Mễ Trì, Hà Nội). Mỗi sáng, vợ anh ghi chi tiết từng thứ cần mua, hướng dẫn cách nấu, anh mang tờ giấy đi chợ, vừa mua vừa đọc cho khỏi quên. Lần đầu nấu cơm giúp vợ, căn bếp nhỏ trở thành bãi chiến trường, anh rán cháy món này, kho mặn món kia…khiến bữa cơm của hai vợ chồng dở khóc, dở cười. Nhưng chị Hà- vợ anh không một lời phàn nàn. Chị vui vẻ khen anh ngày càng nấu ăn ngon, tranh thủ lúc rảnh rỗi chị đi chợ, làm trước các món để trong tủ lạnh, cho anh đỡ vất vả.
Bây giờ, mọi việc anh đều thành thạo. Anh Tiến bật mí: “Mình thường hỏi các bác bên hàng xóm, đi chợ mua hàng nào, giá cả bao nhiêu…Đến chợ cứ đúng chỗ đó mà mua, đúng giá đó mà trả. Mua về rồi cũng nhờ các bác hàng xóm chỉ bảo tận tình cách nấu, muốn nấu món cầu kì thì lên mạng học. Làm nhiều thì thành quen thôi, làm quen mình lại thích việc nội trợ”.
Chăm chỉ việc bếp núc, anh Trần Đăng Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) còn thay vợ chăm con. Bé Bông- con gái anh rất khỏe mạnh, mập mạp, cũng nhờ anh thường xuyên đến học các khóa nấu ăn dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ.
Anh Phương bảo: “Có rất nhiều lần tôi nghe bạn bè, đồng nghiệp khuyên nên để vợ nội trợ, làm việc nhà. Đó là việc của phụ nữ. Nhưng bỏ thời gian hàng ngày la cà quán xá, ở nhà giúp vợ chăm con cũng rất vui”.
Biết những khó khăn tâm lý của chồng khi phải thay mình đi chợ nấu ăn, Nguyệt vợ Phương cũng rất khéo léo, ý nhị động viên chồng. Cô thường xuyên khen chồng: “Hôm nay anh nấu món này ngon quá, rất hợp với khẩu vị của hai mẹ con em”, “cơm anh nấu em ăn được rất nhiều” hoặc “sao anh khéo mua thế, anh mua vừa rẻ lại vừa ngon”… Rồi chị nguýt yêu chồng. Những lúc như thế, mọi bực bội phải đi chợ bỗng tan biến đâu hết, chỉ còn đọng lại trong anh nụ cười và cảm nhận một hạnh phúc giản đơn.
Không chỉ động viên bằng lời nói, những hôm được nghỉ ở nhà, Nguyệt luôn đi chợ nấu cho chồng những món ăn giản dị mà anh thích, rồi tranh thủ mua thức ăn, chế biến sẵn để trong tủ lạnh để dành, tiện cho hai bố con nấu nướng.
“Chỉ cần nhìn thấy chồng đi làm về, xắn tay áo giúp vợ nhặt rau, rửa bát, vợ đã cảm động rồi. Thấy chồng mình chu đáo, ân cần lắm. Ông xã mình nấu ăn không ngon lắm, nhưng ăn đồ chồng nấu vui lắm. Nhìn bố nấu ăn giúp mẹ, cũng là tấm gương tốt cho các con noi theo nữa”. Chị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ quan điểm.
Đinh Liên
(theo afamily)