Ngày… tháng… năm
Cái gì con cũng sờ vào, cái gì cũng đòi hỏi. Kể cả những ổ điện, những chỗ nguy hiểm trong nhà. Mẹ dặn con bao nhiêu lần không được.
Hôm ấy, cả nhà ăn mỳ tôm úp sọt. Con cũng lanh chanh, cố la hét đòi bốc sợi mỳ. Cả nhà ngạc nhiên khi thấy mẹ cho con thò tay vào bát mỳ của mẹ. Hơi nóng, con rụt tay lại. Lần sau, có bát canh hoặc nồi cơm nóng, con lại đòi. Ông bà chỉ hơi nhắc: “Nóng, giống bát mỳ đấy. Nhớ chưa?”. Thế là con vội vàng bỏ tay ra ngay.
Thực ra, bát mỳ hôm đó cũng không nóng lắm, không đủ sức làm con bỏng. Nhưng mẹ biết, phải cho con thử nóng một lần, lần sau con mới chừa. Con vẫn còn bé để hiểu và nhớ được lời mẹ nói. Cách tốt nhất để dạy con là cho con nhận ra nguy hiểm, con biết được phần nào hậu quả của việc không nghe lời bố mẹ.
Ngày… tháng… năm
Con đi xuống sân chơi với các bạn. Con ngồi nhờ xe ba bánh của các bạn mà định giữ làm của riêng mình. Ai sờ vào con cũng đánh và cấu, hét to lên ra chiều không đồng ý. Mẹ cho bạn Bi mượn xe tập đi con vịt của con. Con hung hăng ra đòi lại, bạn Bi cũng hất tay con ra và cấu con một cái. Con khóc lóc, nhìn mẹ hét to để mách mẹ, để mẹ bênh con.
Mẹ không bênh, chỉ nhẹ nhàng nói rằng: “Tại con đấy chứ, con không được ích kỷ với bạn bè. Mẹ không bênh”. Tối đó, con dỗi, không ra mẹ bế, chỉ theo bố và mẹ. Mẹ cũng lờ đi như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng mẹ để ý thấy, từ lần đó, con chẳng bao giờ đòi đồ chơi của các bạn.
Ngày… tháng… năm
Con bắt dầu lẫm chẫm tập đi. Biết đi, con rất thích, cười hét sung sướng. Con đi từ phòng trong ra phòng ngoài, ra bếp, rồi hành lang. Con đòi xuống đường chơi. Mẹ đưa con xuống sân khu tập thể chơi với các bạn, nhẹ nhàng thả tay để con đi một mình.
Đi được vài bước, con bị ngã. Tất cả là do bị vấp phải cục gạch ai để ngang đường. Con thấy mẹ, tủi thân òa khóc. Mẹ chỉ nhẹ nhàng bảo: “Con tập võ ấy mà. Lần sau con đi đường, con phải tránh xa hòn gạch ra, không là ngã đấy”.
Về kể chuyện, bố bảo mẹ hâm, sao để con ngã khi đã nhìn thấy hòn đá. Mẹ chỉ trả lời: “Bị ngã đau thì con mới nhớ lâu. Mình tránh cho con lần này, còn lần sau con có biết tự tránh không?”. Tận đáy lòng mẹ mong con sau này dù gặp chuyện gì vấp ngã, con cũng biết tự đứng lên và không lặp lại sai lầm.
Có thế con mới trưởng thành, con yêu ạ.
Ngày… tháng… năm
Nghỉ hè, con không đi nhà trẻ. Con chỉ quanh quẩn với cái tivi và máy vi tính. Nhưng mẹ đã dặn: “Con không được xem tivi khi không có bố mẹ ở nhà”. Mẹ không muốn con xem tivi quá nhiều nên mới căn dặn thế.
Chiều qua đi làm về, mẹ hỏi, con lại chối: “Con có xem tivi đâu”. Mẹ hỏi đi, hỏi lại mấy lần, con mới khai báo thành thật: “Con xem trộm có mấy phút thôi. Nhà mình có lắp camera theo dõi đâu mà mẹ biết”.
Mẹ chỉ cười: “Con làm gì sai, nói dối mẹ cũng biết hết. Vì mẹ là mẹ mà”. Con đâu biết, mẹ chỉ cần sờ vào cái tivi, thấy còn nóng nóng, ấm ấm là mẹ đoán ra ngay. Mẹ đã trở thành một người mà con gọi là: “Khó qua được mắt mẹ”. Các cô chú trong khu tập thể khen mẹ tài, cứ như có mắt thần ở đằng sau. Mọi người đâu biết rằng, chỉ cần chú ý, quan sát và quan tâm đến con một chút, bố mẹ nào cũng có thể biết hết được mọi việc con làm.
Mẹ Cốm
(theo afamily)