Cha mẹ thường hiểu khoảng 50% số câu nói và cử chỉ của trẻ ở độ tuổi mầm non do bé phát âm chưa chuẩn và chưa đủ vốn từ vựng. Khi không hiểu trẻ đang thể hiện điều gì, bạn đừng vội vàng tỏ thái độ: “Mẹ không hiểu con”. Điều này sẽ làm cho bé thất vọng, hạn chế bày tỏ ý nghĩ. Bạn nên tìm hiểu ý định của trẻ qua cử chỉ hoặc đặt câu hỏi ngược lại để giúp con xác nhận ý muốn của mình: “Có phải con muốn lấy chiếc xe không?”. Nếu vẫn chưa giải mã được ý định của trẻ, bố mẹ hỏi lại một lần nữa: “Con đang muốn gì đấy?”. Ngoài ra, bạn không nên quá thúc ép bé tập nói khi chúng không muốn.
Khi trẻ lớn lên, những hiểu biết về thế giới xung quanh đến từ sự giao tiếp và quan sát. Mỗi ngày, bé tiếp xúc với nhiều người, nhiều tình huống giao tiếp. Do đó, các bậc phụ huynh không nên ngạc nhiên khi nghe con nói một câu không hay. Điều này nhắc nhở bạn cần chuẩn mực hơn khi giao tiếp trước mặt trẻ. Ngoài ra, cha mẹ nên cẩn thận khi để bé tiếp xúc với người có thói quen giao tiếp hoặc hành vi xấu.
Bạn có thể dành vài tiếng buổi tối trò chuyện và vui đùa với con trước khi ngủ. Sắp xếp thời gian cuối tuần để cả nhà đi chơi công viên; cùng trẻ đọc một cuốn truyện tranh; chơi trò chơi xếp hình hoặc đoán chữ cũng là sự đối thoại giữa bố mẹ với con. Những đứa trẻ hàng xóm cùng tuổi là môi trường giao tiếp tốt cho trẻ. Các bé thường chơi đồ hàng, trốn tìm hoặc sắm vai. Thông qua những trò chơi này, chúng phát triển khả năng giao tiếp và dần hình thành tính cách. Ngoài ra, bạn nên đưa con tới câu lạc bộ ngoại khoá để trẻ có cơ hội gặp gỡ và giao tiếp với các bạn đồng trang lứa. Gặp gỡ, giao tiếp với nhiều người còn giúp trẻ phát triển khả năng tư duy và tính cách cảm thông, chia sẻ.
Ngoài ra, sức khỏe là nền tảng của mọi sự phát triển của trẻ. Tiến sĩ tâm lý Lê Khanh, Giảng viên trường Quản trị chia sẻ các bậc phụ huynh cần chăm sóc cho trẻ hệ miễn dịch khỏe mạnh để bé tự do vui chơi, khám phá mà không lo bị bệnh.
Hệ miễn dịch là một trong những nhân tố quan trọng giúp trẻ phát triển. Phương pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ là bổ sung vi khuẩn tốt thông qua dinh dưỡng. Trong ruột có vài trăm loại vi khuẩn khác nhau, từ vi khuẩn xấu gây bệnh đến vi khuẩn tốt có lợi cho sức khỏe. Đường ruột của trẻ sẽ khoẻ mạnh nếu nhiều vi khuẩn tốt.
(Nguồn: Câu lạc bộ Kỹ năng sống cho trẻ)
(theo vnexpress)