Bức tranh do hơn 100 nghệ nhân của làng nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thực hiện. “Cội xưa” có kích thước 5,5 x 31 m, khi hoàn thành sẽ có trọng lượng khoảng 1,2 tấn và diện tích phần tranh chính là 170,5 m2. Sau khi đóng khung bức tranh có thể nặng đến hơn 10 tấn.
Phiên bản chưa hoàn chỉnh của “Cội xưa” được giới thiệu chiều 30/7 ở trường THCS Đền Lừ II, quận Hoàng Mai (Hà Nội). |
Chị Phạm Thị Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Cội Xưa, một trong các tác giả của bức tranh, cho biết: “Bức tranh thể hiện 3 nội dung chính: sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt; phong cảnh của cố đô Hoa Lư với hai ngôi đền thờ vua Đinh, vua Lê và Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Hiện bức tranh đã hoàn thành 90%”.
Sau khi thêu xong và được đóng khung, bức tranh sẽ có hình dạng như thế này, với trọng lượng lên đến hơn 10 tấn. |
Theo chị Hoài, bức tranh thêu theo kiểu đâm sổ, nội dung tóm lược lịch sử 1000 năm từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long – Hà Nội. Hình ảnh cổng thành xây dựng trên nước để chống quân xâm lược, hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của người dân cố đô Hoa Lư, tháp Bái Thiên đều được tái hiện trên bức tranh.
Chị Chu Thị Tứ, một nghệ nhân đến từ làng nghề Văn Lâm, kể về quá trình thực hiện bức “Cội xưa”: “Chúng tôi vừa làm nông vừa thêu tranh. Mỗi ngày tôi thêu được một khoảng bằng bàn tay, rất tỉ mỉ. Đây là bức tranh có sông, có núi, có người, điều khó nhất là phối màu sao cho đẹp. Chỉ thêu làm bằng cotton nhuộm màu nên không phai và giữ được lâu bền”.
Từ 16/8 đến 23/8, bức tranh thêu hoàn chỉnh được trưng bày tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Bài, ảnh: Pham Mi Ly
(theo vnexpress)