Mặt đỏ bừng, cô con gái đang học lớp 8 không chịu thua: “Bạn con nhiều đứa cũng tóc như vậy có sao. Sao má lúc nào cũng bắt con phải theo ý má?”. Nói dứt câu, con bé ngoe nguẩy đi thẳng lên lầu, mặc kệ bữa cơm chiều đã dọn xong. Thấy con phản ứng, chị tôi càng điên tiết: “Đi đâu vậy, đứng lại má biểu”. Huyền dừng lại giữa cầu thang, quay lại, nhìn mẹ với ánh mắt thách thức. Nhìn vẻ mặt của con, chị quát: “Xuống ăn cơm!”. Huyền buông thõng một câu: “Con không đói, không muốn ăn. Chuyện ăn uống má đừng bắt con làm theo ý má”. Dứt câu, Huyền lại thẳng tiến, mặc kệ mẹ đang nổi cơn lôi đình.
Thật lòng, tôi không biết phải nói với chị như thế nào. Chị chỉ nhìn bé An để so sánh rồi quay sang nhiếc móc con gái, nhưng chưa bao giờ chị chịu quan sát cách dạy dỗ, chăm sóc con của chị Cúc, mẹ bé An.
Cuối năm lớp 6, An cũng bắt đầu “ẩm ương”. Bé chỉ thích làm theo ý mình và luôn tìm cách chống đối những quyết định của ba mẹ. Lúc đầu, chị Cúc rất giận, nhưng khi cơn giận qua đi, chị giật mình chợt nhớ con đã 12 tuổi, cái tuổi khó chịu nhất với nhiều biến đổi trong tâm sinh lý.
Thay vì trách mắng, áp đặt con, chị Cúc tự nhắc mình phải biết kiềm chế khi dạy bảo con. Nói là vậy, nhưng khi đụng chuyện lại không dễ. Có lúc An lên cơn ương bướng, nhất quyết phải tranh cãi với mẹ đến cùng hoặc chưa chờ mẹ dứt câu đã bỏ đi. Chị Cúc thú nhận, cũng có lúc chị nóng giận, chỉ muốn cho con một cái bạt tai… Nhưng chị cố trấn tĩnh bằng suy nghĩ: một cái bạt tai chỉ có thể khiến mọi chuyện trở nên tệ hại hơn và khoảng cách mẹ con sẽ càng xa.
Anh chị em trong nhà, ai cũng ngạc nhiên vì cách dạy con rất bài bản của chị, vì thời chúng tôi cha mẹ nói gì con phải nghe răm rắp, cấm cãi, cấm trả lời, dù đã trưởng thành. Chị “bật mí”:“Lấy đâu ra kinh nghiệm để dạy con nếu không chịu khó tìm đọc trong sách vở, tài liệu”.
Khi gặp những tình huống quá khó, chị Cúc lại nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên viên tư vấn. Lúc biết chị đến trung tâm tư vấn, chị Mai là người phản đối kịch liệt vì quan niệm con ương bướng thì phải phạt, phải ép nó theo khuôn khổ của gia đình. Con hư mà không nghiêm, nó sẽ được nước, lờn mặt, coi ba mẹ không ra gì… Chị Cúc vẫn bình tĩnh: “Trẻ con bây giờ không giống mình ngày xưa. Bản thân em cũng không có nhiều kiến thức trong việc dạy con, những ý kiến của các chuyên viên sẽ rất quan trọng”.
Dù rất bận rộn với việc buôn bán, nhưng chị vẫn cố gắng sắp xếp để có nhiều thời gian cho con hơn trước. Biết con thích học làm bánh, hai tuần một lần, chị lại cùng con vào bếp. Cuối tuần, hai mẹ con dung dăng dắt nhau đi chợ. Chị nói:“Không chỉ giúp để con tập làm quen với chuyện bếp núc, tôi tranh thủ nói đủ thứ chuyện vu vơ với con lúc vào bếp, đi chợ… để hiểu suy nghĩ, mong muốn và những khó khăn mà con đang gặp phải trong chuyện học hành, trường lớp, bạn bè… để từ đó có cách động viên chia sẻ….”.
Chị Cúc là người duy nhất trong số sáu anh chị em tôi chịu lắng nghe và chấp nhận cho con được phép tranh luận với mẹ. Nhờ thẳng thắn trao đổi, chị nắm bắt được mọi suy nghĩ, phản ứng của con để khéo léo điều chỉnh con. Hơn nữa, bé An cũng có cảm giác được mẹ tôn trọng, xem mình như người lớn nên cũng bớt dần tính ương bướng.
(Theo PNO, afamily)