“Tinh hoa gốm Việt” – Trưng bày bộ sưu tập gốm cổ Việt Nam lớn nhất
Từ 3/9 đến ngày 8/9/2010, tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương đã diễn ra cuộc trưng bày gốm cổ Việt Nam mang tên “Tinh hoa gốm Việt”. Cuộc trưng bày quy tụ 720 hiện vật gốm cổ qua các thời kỳ: Đông Sơn, Gò Mun đến thời Đinh – Lê – Lý – Trần – Nguyễn với dòng gốm Phước Tích, Gò Sành, Quảng Đức… cùng những hiện vật gốm khai quật trong các tàu đắm trong vùng biển Việt Nam vào các thế kỷ trước đây.
Tham gia trưng bày có 14 bảo tàng: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh và 12 bảo tàng của các tỉnh, thành: Bảo tàng lịch sử và cách mạng Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Long An và Bình Dương.
“Sen vàng” – Chiếc cúp bằng sứ liền khối lớn nhất
Chiếc cúp “Sen Vàng” được hơn 20 nghệ nhân và họa sĩ của Công ty TNHH Minh Long 1 thực hiện trong thời gian khoảng 5 năm (từ 2005 đến giữa 2010). Cúp được nung ở nhiệt độ 1.380 độ C, sau khi hoàn nguyên, chiếc cúp có đường kính miệng 63cm, chiều dài kể hai bên quai 90cm, chiều cao 88cm, nặng 45kg. Với một đường kính, chiều cao và trọng lượng như vậy nhưng chiếc cúp có một eo rất nhỏ, chỉ có 12cm.
Điểm đặc biệt về kỹ thuật là chiếc cúp được nung liền khối không bắt đinh, ốc hay dán keo. Họa tiết của cúp thể hiện trên màu xanh cobal truyền thống trên nền men ngọc. Hoa văn được vẽ tay với hình ảnh bông hoa sen trẻ trung, hiện đại. Chầu hai bên miệng cúp là đôi linh vật đầu rồng đuôi phượng, miệng ngậm ngọc trong tư thế ôm chiếc cúp.
“Văn Lang” – Chiếc chén bằng sứ liền khối lớn nhất
Chén “Văn Lang” được thể hiện bằng kỹ thuật vẽ màu trên sứ, thời gian thực hiện khoảng 5 năm, từ việc thiết kế, tuyển chọn, tạo hình, tô vẽ nhằm đạt được sự hoàn mỹ và tinh xảo.
Chiếc chén có đường kính miệng 75cm, chiều cao kệ đế 80cm, nặng 45kg, được đặt trên bệ là 3 góc cách điệu đầu rồng, đuôi phượng, cánh tiên. Đặc biệt, chiếc chén được mạ bằng vàng 24k tạo nên vẻ đẹp sáng bóng, lung linh sang trọng.
Nhằm đạt được sự bố cục chặt chẽ, hài hòa, những nghệ nhân của Minh Long đã phải mất trên 1 năm tô vẽ. Hình ảnh mà chiếc chén thể hiện là cảnh sinh hoạt cộng đồng trong thời kỳ dựng nước của các vua Hùng, bên cạnh là những hình ảnh đời thường của cuộc sống hôm nay trong nếp sống của miền quê: cảnh họp chợ, cày cuốc, đan lát, các em thơ vui chơi, xe thổ mộ, quán cắt tóc ven đường…
“Quốc bình Thăng Long” – Bình hơ hình dáng trống đồng lớn nhất
Quốc bình Thăng Long – sản phẩm có hình dáng trống đồng, cao 73cm, dài 63cm, ngang 23cm, nặng gần 30kg, do Công ty TNHH Cường Phát thực hiện. Mặt trước và sau bình hoa hình trống đồng Việt Nam với họa tiết chim lạc, nai cùng nét sinh hoạt của người xưa, được chạm nổi công phu, tỉ mỉ và phủ men xanh lam (cobal), phết vàng. Hai con rồng được bố trí hai bên mặt trống, đuôi rồng làm chân đế bình nâng mặt trống đồng.
Tác phẩm được thực hiện trong vòng 2 năm (từ 6/2008-7/2010), kể từ khi có ý tưởng về sản phẩm, thiết kế bản vẽ, cho đến khi hoàn tất sản phẩm. Trong đó, khó nhất là việc tạo hình, nghiên cứu phối liệu nhằm tạo cốt đất phù hợp, không bị nứt, nghiêng sau khi tạo dáng và nung. Sản phẩm được nung ở nhiệt độ 900 độ C, sau đó được làm nguội, đánh bóng, tráng men và phủ men bên ngoài, tiếp đó được đưa vào nung ở nhiệt độ 1.200 độ C. Sau khi đạt yêu cầu, sản phẩm được phủ vàng lên các họa tiết nổi và hấp lại với nhiệt độ 800 độ C.
“Thiên địa” – Chiếc lu bằng gốm lớn nhất
“Thiên địa” là tên của một sản phẩm lu làm bằng gốm của Doanh nghiệp tư nhân Gốm Mỹ nghệ Trung Thành. Chiếc lu hình trụ tròn có đường kính miệng 1,1m; cao 1,2m; chu vi miệng 3,48m; chu vi đáy 2,20m; nặng khoảng 200kg, do 12 người trải qua 6 công đoạn làm trong 6 tháng (bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12.2003).
Lu “Thiên địa” có màu xanh ngọc, viền chung quanh thân lu là họa tiết bông mai. Chiếc lu này mang ý nghĩa dài lâu, rộng lớn như nghề làm gốm luôn vững bền do được các thế hệ kế thừa và lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Triển lãm nghệ thuật sắp đặt bằng nhiều loại sản phẩm gốm nhất
Công ty TNHH Lê Quý Dương đã xây dựng một triển lãm theo nghệ thuật sắp đặt bằng những sản phẩm có chủ đề “Gốm sứ Việt Nam truyền thống – bản sắc và phát triển”, sử dụng 3.099 vật phẩm gốm. Đó là các loại chậu, bình, lọ bằng gốm từ nhỏ nhất 0,10m x 0,2m đến lớn nhất 1,6m x 0,9m. Hình ảnh gây sự chú ý với người xem và nổi bật lên giữa những tiểu cảnh được sắp xếp hai bên và chung quanh sân khấu là nền 2 hình tượng rồng thời Lý hướng vào nhau (mỗi rồng dài 27m, rộng 8m).
Trong một không gian 80mx50m, 35 người (nghệ nhân làng nghề, người phục vụ…) đã tái hiện một cách sinh động quy trình sản xuất gốm thủ công trong một làng gốm truyền thống. Nhìn tổng thể, qua các chi tiết sắp xếp đã truyền tải thông điệp của người dân Bình Dương và các tỉnh phía Nam đang từng ngày, từng giờ hướng tấm lòng về đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Chiếc đèn mỹ thuật bằng gốm cao nhất
Chiếc đèn được hai người thợ chính và một người thợ phụ của Công ty TNHH Thượng Nguyên làm trong 65 ngày (từ tháng 4 đến tháng 6/2009) tại xưởng gốm ở làng Phù Lãng (Bắc Ninh).
Chiếc đèn có chiều cao 3,9m được chia làm các phần như sau: tháp đèn; ống đỡ (chu vi 93cm); bầu đèn (chu vi 229cm); thân đèn (chu vi 128cm; đế đèn (chu vi 184cm). Ở ống đỡ, bầu và thân đèn là những hoa văn kỷ hà cùng những hình ảnh về nghệ thuật sân khấu chèo.
“Hồn Việt” – Chiếc cúp bằng sứ liền khối cao nhất
Chiếc cúp “Hồn Việt” có hình ảnh quen thuộc được trình bày một cách hài hòa, chặt chẽ. Ở một mặt là cảnh chùa Một Cột, cầu Thê Húc, chùa Thiên Mụ, cây cau, cây dừa, chùm hoa sứ trên nền màu xanh lam Huế. Còn mặt bên kia là những hình ảnh gần gũi đời thường với chiếc xe thổ mộ, thiếu nữ đi chùa, nhảy dây, mẹ đi chợ về, rồi cảnh gặt lúa, chèo thuyền…
Điểm đặc sắc của chiếc cúp “Hồn Việt” chính là đôi quai của cúp uy nghi, tráng lệ vì được làm ra với sự kỳ công khi thể hiện đôi linh vật đầu rồng cánh phượng miệng ngậm ngọc. Công ty Minh Long tuyển chọn vàng 24k để mạ lên trên chiếc cúp tạo nên vẻ đẹp sáng bóng, lung linh mà sang trọng.
Được các nghệ nhân của Minh Long nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian 5 năm mà 5 phần được nung liền khối không vít (ốc) hay dán keo cho thấy cái tâm và tình của người thợ nơi đây.
Chiếc cúp “Hồn Việt” có chiều cao 99cm; đường kính miệng 37cm; đường kính đáy 28cm; chiều dài (kể cả hai quai) 89cm; chiếc eo cúp chỉ nhỏ 8cm và trọng lượng 39kg.
Chiếc lu gốm làm bằng phương pháp xoay tay liền khối cao nhất
Từ tháng 1 đến tháng 6/2010, bằng tay nghề lâu năm của một người thợ có 40 năm kinh nghiệm, ông Ngô Văn Minh đã cho ra đời một chiếc lu được làm liền khối bằng tay và sau khi được nung hoàn nguyên được đặt tên “Địa Cầu”.
Điểm đặc trưng của chiếc lu “Địa Cầu” là không sử dụng khuôn mẫu chỉ bằng sự kết hợp giữa nghệ thuật xoay tay và kỹ thuật nung đất lửa có nhiệt độ từ 800 độ C đến 1.200 độ C. Sau khi ra lò, làm nguội, chiếc lu còn được dùng kỹ thuật bắn cát để tạo nên những chấm phá làm cho chiếc lu mang dáng vóc cổ xưa.
Trong khi thực hiện chiếc lu ông Minh và những người thợ phụ đã gặp không ít khó khăn ở khâu tạo hình do phải làm liền khối và do độ cao mỗi ngày mỗi vượt lên. Sau khi hoàn thành, lu “Địa Cầu” cao 1,86m, đường kính miệng 36cm; chu vi miệng 1,10m; chu vi thân giữa 2,33m; chiều dày thân lu 2cm; đường kính nơi thân giữa 72cm, trọng lượng 165kg. Nguyên liệu đất được lấy từ đất sét lấy ở làng Tân Phước Khánh (Tân Uyên, Bình Dương).
Dương Lãng Hoàng
Theo VTC News