Lụa
Tranh lụa Việt Nam đã từng có thời kỳ vàng son với tên tuổi của Nguyễn Phan Chánh, sau nữa là Mộng Bích, Lê Kim Bạch, Nguyễn Thụ… Nay, số lượng họa sĩ ngày càng nhiều, tỉ lệ thuận với số lượng các triển lãm mỹ thuật cá nhân, nhóm và triển lãm quy mô lớn. Một họa sĩ gắn bó với công tác giảng dạy tranh lụa 20 năm qua từng tổng kết: nhìn từ Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (định kỳ 5 năm) từ năm 1995 trở lại đây, sẽ thấy số lượng tranh lụa ngày càng ít dần và… tỉ lệ thuận với số lượng cũng như mức độ giải thưởng dành cho nó. Trong tương quan ấy, việc bi quan về sự tồn vong của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam hẳn là có cơ sở. Từ thực tế trên, Chuyên đề Lụa được thực hiện với mong muốn không chỉ điểm lại thành tựu mà còn cùng nhìn nhận lại các giá trị lâu bền của tranh lụa. Đó là điểm tựa để chúng ta giữ niềm tin về tương lai của thể loại hội họa này. Tổ chức chuyên đề: PHONG VÂN
|
Nếu giấy được phát minh ra trước lụa thì có lẽ tranh lụa không từng có vị trí đặc sắc trong nghệ thuật phương Đông như vậy. Nhưng cũng vì thế mà tranh lụa cũng thăng trầm như mọi chất liệu hội họa khác, vì nó cũng có những ưu thế và những hạn chế nhất định trong việc thể hiện tâm tư họa sĩ. Thời thượng cổ, người ta muốn viết chữ lên một bề mặt nào đó thành một văn bản thì chỉ có hai chất liệu phổ biến là tre và lụa, tiếng Hán gọi là trúc (tre) và bạch (lụa), sau này khái niệm trúc bạch cũng có nghĩa là lịch sử, như ghi tên vào tre lụa. Tất nhiên, người ta còn khắc chữ trên xương, trên mai rùa, khắc trên đồ đồng, viết trên da và vải sợi thô. Chữ và tranh cũng vốn cùng nguồn gốc, nên phương tiện viết chữ cũng là phương tiện vẽ tranh. Những bức tranh lụa đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc vào thời Tam quốc, Lục triều khoảng thế kỷ 3 sau Công nguyên, tất nhiên tranh lụa có thể được vẽ trước đó nhiều, nhưng lụa không phải là chất liệu bền theo thời gian, nên khó lưu giữ. Muốn lưu giữ lâu dài tranh lụa, thì người ta vẽ trên tấm lụa bằng các màu tự nhiên, nhưng không bồi, và cũng chỉ thi thoảng giở ra, nên có thể giữ nó trong một nghìn năm. Một nghề sao chép tranh và chữ cổ hình thành, cứ sau vài trăm năm, triều đình lại cho sao chép lại những bức họa và sách cổ.
Cũng như người Trung Hoa, người Việt Nam thời cổ cũng vẽ trên lụa và giấy. Nhưng thời phong kiến, hội họa vốn không phát triển ở nước ta, nên chúng ta chỉ còn lưu giữ được vài mươi bức tranh lụa vẽ chân dung thờ trong thế kỷ 19, bức tranh cổ nhất được cho là chân dung Nguyễn Trãi thế kỷ 15. Đến khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, năm 1925, các ông thầy người Pháp đã khuyến khích họa sĩ Việt Nam sử dụng hai chất liệu truyền thống là sơn mài và lụa để vẽ tranh, thì lụa được nhiều họa sĩ sử dụng, như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Quế, Lương Xuân Nhị, song chỉ có Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh lụa một cách chuyên nghiệp cho đến tận cuối đời và hình thành một phong cách riêng độc đáo. Tuy nhiên, các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương và sau này không dùng màu tự nhiên nữa, mà dùng thuốc nước (water colour) vẽ trên lụa, sau khi vẽ xong thì dùng hồ và giấy bồi nền sau lưng tấm lụa. Hai cái này làm thay đổi căn bản kỹ thuật vẽ lụa cổ truyền. Vẽ bằng màu tự nhiên, người ta không rửa và chuốt mặt lụa quá nhiều, chủ yếu vẽ một lần được ngay, hoặc vờn ngay trên bề mặt. Còn vẽ bằng màu nước, thực chất là một kỹ thuật nhuộm lụa, màu thuốc nước ngấm vào trong thớ lụa, trở thành sợi nhuộm màu, chứ không ở trên bề mặt, và vẽ bằng kỹ thuật này người ta phải vẽ ẩm và rửa nước nhiều lần. Tính lung linh huyền ảo và các sắc độ trở nên tinh tế hơn vẽ khô. Tuy nhiên vẽ ẩm, các màu khác nhau cùng hòa tan trên mặt lụa, tạo ra một màu xám đen, dễ làm tấm lụa tối lại, về thực chất các tranh lụa hiện đại vẽ theo kỹ thuật ẩm càng để lâu càng xám lại. Một vấn đề nữa, các tranh lụa có bồi giấy, sau nhiều năm, chất hồ bị hủy, hủy theo cả giấy và lụa ở trên dưới. Có những bức tranh lụa ở trong bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chỉ mới hơn 50 năm, có nguy cơ vỡ vụn ra từng mảnh. Chúng tôi gọi đùa là “một đống tranh” hoàn toàn đúng theo nghĩa đen.
Lối vẽ cổ là lối vẽ tượng trưng, không cốt mô tả sự vật theo mắt thường nhìn thấy. Lối vẽ thời hiện đại mang tính hiện thực áp vào tranh lụa, nên người ta cố gắng miêu tả không gian ba chiều, sương khói, hơi nước, cảnh vật êm êm nhiều sắc độ, nên tranh lụa hiện đại có chất thơ nhất định, và các họa sĩ cố thường tránh vẽ những màu tương phản mạnh, rất ít tranh lụa hiện đại dùng các màu xanh, trong khi tranh cổ lại dùng màu xanh nhiều. Những họa sĩ trẻ học lối lụa hiện đại cảm thấy khó khăn trong việc biểu hiện các tâm trạng hiện tại mà bị ràng buộc nhiều vào kỹ thuật nhòe mờ, thiếu tính đối chọi, và vẽ một bức tranh lụa thường phải rất công phu đến vài ba tuần, thậm chí hơn thế, mà hiệu quả không mạnh như tranh sơn dầu, giá bán cũng thấp hơn, nên họ không tha thiết với tranh lụa nữa.
(theo thethaovanhoa)