Mẹ của mẹ
Saturday, September 25, 2010 10:17
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Con thoáng nhìn thấy ngoại quay đi, giấu giọt lệ nơi khóe mắt già nua khi mẹ gắt: “Bà lẩm cẩm quá, đã nói bữa nay làm chả giò ăn bún, tự dưng lại đi hầm chân giò với măng. Không nhớ là con chán món này à?”.

Con không ngạc nhiên khi nghe mẹ dấm dẳng với ngoại, bởi đây đâu phải lần đầu. Mẹ luôn cao giọng khi nói chuyện với ngọai, kể cả khi ngoại đưa bàn tay run run chải mái tóc vừa gội của mẹ với vẻ đầy âu yếm. Con thật sự ái ngại mỗi khi mẹ gắt lên, ngoại lại nhìn đi hướng khác, vẻ cam chịu. Vì sao như vậy mẹ ơi?
Con vẫn nghe dì Ba kể rằng, ngày bé mẹ hay đau yếu, lại là út trong nhà nên luôn được cưng chiều. Ngọai từng thức trắng đêm chăm sóc khi mẹ bị sốt cao vì bệnh thủy đậu. Có miếng ăn ngon, ngoại nhường hết cho các con, mà mẹ lúc nào cũng là người được phần hơn. Dì Ba còn kể, năm mẹ chuẩn bị thi vào đại học, cả nhà gặp lúc khó khăn vì ông ngọai bị bệnh nan y, phải chạy chữa tốn kém rất nhiều. Ban ngày, vừa chăm chồng trong bệnh viện, vừa lo bán quán hủ tíu trong hẻm, lo chuyện cơm nước cho các con, tối đến, để có tiền cho mẹ học lên cao, ngọai nhận thêm việc thêu hài cườm. Bàn tay với những ngón cong quẹo vì vất vả mưu sinh, ngoại lóng ngóng xỏ từng hạt cườm, luồn từng mũi chỉ, có khi ngón tay bị kim đâm bật máu, ngoại giấu kín không để con cái biết.
Chắt bóp, tảo tần, cực khổ bao năm, ngoại đã đồng hành cùng mẹ những tháng năm trên giảng đường đại học. Tấm lưng ong dẻo dai của bà mẹ đảm đang ngày nào giờ đã còng xuống vì tuổi tác và bao vất vả, vậy mà ngoại vẫn cặm cụi nấu những món ngon vào dịp cuối tuần để con cháu tụ về xum họp. Con xót xa khi nghĩ đến ngày mẹ với vóc dáng ấy của ngoại, hẳn cũng lụm cụm lo cho cháu con. Nhưng có một điều con chắc rằng, con sẽ không như mẹ, không dạy con cái điều hay lẽ phải, còn mình lại sống khác đi…
Đừng vội mắng con, mẹ nhé. Từ khi chị em con còn bé, mẹ vẫn dạy phải biết kính trên nhường dưới, nhưng con thường nghe mẹ nói chuyện cộc lốc với ngoại. Mẹ dạy em Nấm phải biết cám ơn khi người khác làm điều tốt cho mình, xin lỗi khi làm điều không phải, nhưng chưa khi nào mẹ làm thế với ngoại, kể cả khi mẹ làm đổ tô canh nóng khiến bàn tay nhăn nheo của ngọai đỏ tấy, mọi người lo bôi thuốc còn mẹ dửng dưng xem tivi. Mẹ vẫn dạy chị em con “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, vậy mà mẹ thản nhiên lấn ngoại ngả sang bên, cố gắp cái đùi gà – món ăn mẹ khoái khẩu, rồi chấm muối tiêu, nhai nhồm nhoàm. Đáng nói là, trong lúc “lấn chiếm” ấy,mẹ đạp nhằm ngón chân ngoại khiến ngoại đau điếng, cả nhà xuýt xoa, mẹ lại cười: “Bà lại mè nheo đó mà”…

Hôm mừng ngoại bảy mươi tuổi, con cháu ai cũng có quà. Thấy mẹ mua tặng ngọai hộp sâm Hàn Quốc, con cũng vui lây. Nhưng sau khi khoe với cả nhà về giá trị của hộp sâm và công sức tìm mua, mẹ đưa cho ngọai với lời dặn: “Mẹ không uống thì đừng đem cho ai, trả lại con đó nha, của quý hiếm chứ không dễ có đâu”. Ngoại cười mếu xệu, còn các dì, cậu lắc đầu. Lúc ấy con thấy xấu hổ…
Còn rất nhiều điều khiến con không hiểu được vì sao mẹ lại đối xử với mẹ của mình như vậy. Những gì mẹ dạy chúng con sao khác xa với cách mẹ đối xử với người thương yêu nhất của mình – người sinh dưỡng mẹ. Có bao giờ mẹ nghĩ, những gì chúng con thấy và học được từ chính những điều mẹ làm hôm nay, mai sau sẽ trở về với chính mẹ?
Mẹ ơi, con không muốn mình phải nhìn thấy những giọt nước mắt ngang mi vì buồn tủi của mẹ mai sau, như ngoại cố giấu khi nhận những câu nói gắt gỏng, thái độ lạnh lùng, thiếu quan tâm của mẹ. Ngoại là mẹ của mẹ, mẹ là mẹ của con, con yêu cả hai người, con mong cả hai bà mẹ đều hạnh phúc vì sự thuận thảo của cháu con. Điều ấy có khó không mẹ ơi?
Ci Mi
(theo phunuonline)