ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Để “gầm chạn” biến thành nhà
Thursday, September 23, 2010 15:28
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Chẳng cứ gì chàng rể đi làm rể mới thấy nhà vợ như “gầm chạn”. Các cô dâu sống chung với nhà chồng cũng không mấy khi coi nhà chồng là “thiên đường”.

Làm gì để chốn “gầm chạn” ấy được thoải mái và dễ chịu hơn?

Những câu chuyện về cuộc sống chung của các cặp vợ chồng trẻ với cha mẹ chồng (hoặc vợ) thường không thiếu điều… gay cấn. Những vấn đề của họ cứ lặp đi lặp lại, chẳng mới mẻ gì.

Vì sao mâu thuẫn?

Khi các cặp vợ chồng trẻ phải sống cùng gia đình thì các mối quan hệ chắc chắn sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Nếu trước kia trong nhà có ba người thì sẽ có ba mối quan hệ: chồng-vợ, cha-con, mẹ-con. Khi có thêm một người xuất hiện, số lượng quan hệ giao tiếp sẽ tăng lên gấp đôi. Gia đình cũ có càng nhiều thành viên thì sự xuất hiện của nhân vật mới càng làm tăng thêm những rối rắm của mạng lưới các quan hệ đan chéo nhau. Và từ đó, các vấn đề xuất hiện! Vậy thì các vấn đề phát sinh có thể bắt nguồn từ những lý do nào?

Sự khác biệt thế hệ: Các thế hệ khác nhau thường khó tìm tiếng nói chung. Những thế hệ lớn tuổi hơn, có những kinh nghiệm sống được tích lũy bằng thực tế sống riêng thì khó lòng chấp nhận ý kiến của người khác. Trong khi đó, thế hệ trẻ lại nhìn cuộc sống bằng một lăng kính phát xuất từ nhu cầu và sở thích riêng nhiều hơn là từ kinh nghiệm. Đặc biệt, ý chí muốn khẳng định sự độc lập, sự tự do, bản lĩnh của họ còn mạnh và chưa qua thử thách cũng là một trong những khác biệt khó dung hòa.

Trình độ văn hóa khác nhau: Có những trường hợp khi các cô gái học cao hay các chàng trai học cao phải đi làm dâu hay làm rể gia đình có trình độ văn hóa thấp hơn. Cũng có trường hợp chàng rể xuất thân từ một gia đình nông dân, làm rể gia đình trí thức truyền thống. Sự khác biệt về nề nếp, chuẩn mực gia đình, thậm chí tập quán, lễ nghi riêng của gia đình là một nguyên nhân gây nên mâu thuẫn lớn.

Những tình cảm ban đầu: Chuyện bố mẹ hai bên vốn không ưa chàng rể hay cô dâu từ trước khi đám cưới không phải là hiếm. Lý do để không ưa thì nhiều và không phải lý do nào cũng có lý: có thể chỉ là chuyện cảm tính về ngoại hình, định kiến nghề nghiệp, có thể họ đã muốn con mình lấy người khác. Khi đôi bạn trẻ khăng khăng muốn lấy nhau thì những mâu thuẫn khi sống chung là điều tất yếu.

Mâu thuẫn của các bậc phụ huynh: Không hiếm “đôi tân lang và tân giai nhân” có một ngày thành hôn miễn cưỡng trong sự hiềm khích của cha mẹ hai bên vì những điều tế nhị cần phải bàn bạc trước hôn lễ. Một lời nói khích, một ánh nhìn thiếu thiện chí, thậm chí chỉ một câu nói hớ hênh đều có thể trở thành lý do khiến con họ sau này phải gánh chịu nhiều điều không vui từ cha mẹ của người kia, nếu họ phải sống cảnh “gầm chạn”.

Có thể giải quyết các vấn đề?

Các chuyên gia tâm lý thường khuyên các cặp vợ chồng trẻ: Hãy yêu thương thật lòng và chân thành, chỉ điều đó mới giúp bạn giải quyết vấn đề. Thế nhưng không phải “câu thần chú” ấy dễ hiểu và dễ thực hiện. Chúng ta hãy thử cùng xem vài trường hợp điển hình và cùng nhau giải quyết:

Để ’gầm chạn’ biến thành nhà - Tin180.com (Ảnh 1)

Trường hợp một: Nỗi khổ người ở giữa

Linh là con gái độc nhất trong nhà. Bố mẹ cô có một căn nhà lớn và khi Linh lấy chồng, điều kiện đầu tiên của họ với chàng rể là Nam phải ở rể. “Nhà cửa chúng tôi là cho anh chị sau này” Bố mẹ cô dâu nói thế. Tuy vậy, ngay từ những ngày đầu chung sống, họ đã cảm thấy không mấy ưa con rể. Thế nhưng thay vì mắng con rể, mẹ vợ chỉ ca thán với con gái ruột : “Bừa bộn, thiếu giáo dục, đi sớm về trễ, ỷ có tiền mặt mũi vênh váo….”. Trong khi đó, anh chồng trẻ cũng cằn nhằn với vợ về mẹ vợ “khó tính, hay xoi mói, nấu ăn dở ẹc…”. Thế là Linh trở thành “sọt rác” hứng mọi bực bội tức tối của cả hai bên. Cô không còn biết phải sống thế nào, bởi cô yêu thương cả hai người. Làm gì đây trong trường hợp này? Sau đây là một vài quy tắc giúp bạn giải quyết vấn đề:

Nguyên tắc 1: Có một sai lầm lớn của những người đứng giữa là “truyền đạt đầy đủ mọi thông tin tiêu cực cho cả hai bên”. Sự trung thực này có hai phản tác dụng lớn: thứ nhất bạn sẽ là người đầu tiên lãnh nhận những hậu quả. Thí dụ chồng bạn trút cơn giận bà mẹ vợ lắm lời lên đầu bạn. Sau đó, khi bạn đang bực bội, bạn lại trút cơn giận dữ ấy sang mẹ và bạn tiếp tục nhận lại những cảm xúc tiêu cực. Thứ hai: bạn truyền cho cả hai bên không chỉ thông tin mà cả sự bực bội của mình. Và mâu thuẫn vì thế còn lớn hơn. Cho nên tốt nhất là bạn chặn cơn nóng giận ấy lại ngay từ nguồn của nó: nghe nhưng từ chối truyền đạt.

Nguyên tắc thứ 2: Thông thường, khi đứng giữa và lắng nghe, người ta bị nghiêng về một phía. Bất kể phía nào, những chỉ trích của một trong hai người sẽ ngày càng nhiều vì họ cảm thấy mình được ủng hộ, nghĩa là mình đúng. Và như thế mối quan hệ sẽ càng xấu đi. Vì thế hãy đứng giữa, không ủng hộ ai hết. Hãy nói với mẹ mình một cách cứng rắn : “Mẹ à, đó là chồng con và con yêu anh ấy. Con không muốn nghe những điều xấu về anh ấy”. Bạn cũng hãy nói với chồng: “Mẹ là mẹ của em, em yêu mẹ dù mẹ có thế nào và em không muốn nghe nói xấu về mẹ”. Với sự cương quyết của bạn, dần dần họ sẽ học được cách kính trọng nhau và sẽ bớt hung hăng.

Nguyên tắc 3: Nếu anh ấy có gì cần nói – hãy bảo anh ấy nói thẳng với mẹ hoặc là im lặng. Hãy để cho họ nói chuyện với nhau. Có thể sau khi trao đổi thẳng thắn, họ sẽ hiểu và thông cảm cho nhau. Còn nếu họ không thể nói chuyện, không thể thỏa thuận thì họ sẽ phải cố gắng im lặng và đừng phàn nàn với bạn. Họ sẽ phải tìm một ai đó nghe họ, một ai đó khách quan hơn sẽ cho họ những lời khuyên.

Trường hợp thứ hai: “Nhập gia tùy tục”

Sau đám cưới, Nhi đến làm dâu gia đình Thịnh. Trong căn nhà mới cuộc sống quá xa lạ với cô. Lúc chưa lấy chồng, Nhi sống với mẹ và tương đối được nuông chiều. Cô thường ngủ đến sát giờ đi làm, dậy không ăn sáng, nhà cửa cơm nước có mẹ lo. Nhưng nhà mẹ chồng lại có thói quen quây quần ăn sáng, cùng dọn dẹp rồi mới “ai vào việc nấy”. Nếp sống của Nhi khiến cả gia đình chồng thấy chướng mắt.

Trong mọi gia đình đều có những nguyên tắc nề nếp sống của mình. Những nguyên tắc đó được hình thành và tồn tại trong nhiều năm và đã trở thành thói quen. Một người từ “thế giới khác” phải chuyển đến “thế giới mới” sẽ cảm thấy rất bất tiện trong mọi sinh hoạt vào những ngày đầu tiên. Thành viên của gia đình cũng cảm thấy y như vậy với những thói quen mới của người mới. Và vì thế họ thường không hiểu, không hài lòng nhau. Bạn cần làm gì đây ?

Nguyên tắc 1: Hãy làm quen người yêu bạn với các nguyên tắc, trật tự, tập quán riêng của gia đình . Còn nếu bạn là người phải chuyển đến sống chung, hãy hỏi chồng hay vợ mình mọi điều. Nhắc nhở, động viên họ trong quá trình làm quen với những điều mới mẻ với thái độ hết sức thân thiện. Trong khi đó nên giải thích với gia đình mình về cuộc sống cũ trước kia của chồng hay vợ để mọi người thông cảm và cho người mới đến thời gian “nhập gia”.

Nguyên tắc 2: Nếu bạn là “người mới”, đừng vội làm cuộc cải cách nào, dù bạn thấy không tán thành nếp sống cũ của “gầm chạn” này, dù bạn có thiện ý muốn làm cho nó “tiên tiến, văn minh” hơn. Hãy từ từ với các “thí nghiệm” và với từng thành viên một, bắt đầu từ chính chồng hay vợ mình!

Nguyên tắc 3: Hãy cố gắng sử dụng khiếu hài hước của mình trong mọi tình huống… Những cách tiếp thu lời chỉ trích hay phê bình tế nhị và nhã nhặn sẽ khiến mọi tình huống bớt căng thẳng và khó chịu. Đừng nổi khùng và nhất là đừng tự ái!

Để ’gầm chạn’ biến thành nhà - Tin180.com (Ảnh 2)

Trường hợp thứ 3: Những lời khuyên – mệnh lệnh!

Chí đưa vợ về sống với gia đình mình. Từ ngày sống chung, mẹ anh chiều nào cũng trò chuyện với hai vợ chồng theo một chủ để duy nhất: Vợ chồng mới cưới phải sống như thế nào. Gặp bất cứ chuyện gì bà cũng đưa ra lời khuyên và muốn họ phải lập tức làm theo. Lúc đầu cặp vợ chồng còn im lặng lắng nghe… Nhưng những kinh nghiệm của mẹ không phải lúc nào cũng “thuận tai” người trẻ bởi họ thấy bên trong lời khuyên ấy luôn hàm chứa sự không đồng ý, trách móc, chê bai… Họ bắt đầu cãi lại. Không khí trong gia đình trở nên căng thẳng. Giải quyết các mâu thuẫn thế nào đây?

Nguyên tắc 1: Trước tiên, khi cần làm việc gì, hai vợ chồng nên thống nhất ý kiến và khéo léo thông báo cho mẹ biết để có thể bảo vệ quan điểm của mình cùng với nhau. Lúc đầu, người mẹ có thể rất khó chịu vì mọi điều không theo ý bà, nhưng sau đó bà sẽ phải chấp nhận sự thực rằng “bọn trẻ” có thể tự giải quyết mọi việc theo hướng phù hợp với chúng và bà sẽ bớt đưa ra ý kiến, lời khuyên.

Nguyên tắc 2: Hãy nhận lấy những lời khuyên và tự hỏi xin lời khuyên. Hãy để cha mẹ có cảm giác về sự cần thiết của mình. Hãy cho họ cảm giác rằng họ luôn là những người thân yêu quý của bạn và dù không làm theo những lời khuyên ấy, nhưng bạn rất kính trọng những kinh nghiệm sống của họ. Nhưng hãy cân nhắc câu hỏi và trường hợp hỏi. Nếu cha mẹ bạn vốn đã phản đối hôn nhân của bạn, đừng dại gì ma hỏi ý kiến họ những vấn đề riêng tư của hai bạn. Câu đầu tiên bạn nghe được sẽ là: “Mẹ đã nói con rồi mà….”. Các định kiến của các thế hệ lớn tuổi thường rất khó thay đổi và càng khó hơn nếu bạn “đổ thêm dầu vào lửa”. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến họ, nhưng nên là những vấn đề không liên quan đến cuộc sống riêng tư trong gia đình nhỏ của ban, thí dụ việc chăm sóc cây cảnh trong phòng hay nấu món ăn mà chồng bạn thích…

Nguyên tắc 3: Các cặp vợ chồng trẻ thường có cảm giác có lỗi khi cha mẹ khuyên điều gì đó mà họ không nghe theo và sau đó lời khuyên ấy hóa ra lại đúng. Hãy hiểu rằng bạn có quyền tự tìm lấy, tự tích lũy kinh nghiệm sống của riêng mình. Đừng tự trách móc bản thân về sai lầm của mình.Hãy công nhận sai lầm của mình và cố gắng để không lặp lại điều đó. .

Nguyên tắc cuối cùng cho tất cả mọi trường hợp: Hãy giữ thiện ý, sự kiên nhẫn và khéo léo trong mọi trường hợp. Nếu bạn cố tình lờ những vấn đề mâu thuẫn đi, nó sẽ càng phát triển và bạn sẽ không kiểm soát được.

(Theo PNO)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.