Tất nhiên, chẳng có ông chồng nào hạnh phúc được khi có bà vợ cả nghĩ, hay ghen. Cuộc sống mà bị hành hạ kiểu ấy thì quả là… địa ngục!
Có câu chuyện như sau: Một chị năm nay đã hơn 50 tuổi, là công chức trong một cơ quan nhà nước. Tính chị vui vẻ, cởi mở nên rất hòa đồng với anh em, nhất là cánh trẻ. Quan hệ giữa chị và họ rõ ràng thứ bậc nên chị cũng khá chủ quan. Một hôm, chị nhận được một tin nhắn lạ cảnh báo rằng chị không được quan hệ với một chàng trai trẻ với những lời lẽ cực kỳ vô lý và có vẻ xúc phạm. Do lâu nay khá vô tư nên chị hơi bất ngờ về đòn ra tay có vẻ phủ đầu này của một số điện thoại mà mỗi khi chị bấm máy gọi lại thì đầu bên kia tắt máy. Làm một cuộc “tổng kiểm kê” nhanh trong đầu, chị không khó khăn để khoanh vùng đối tượng. Tiếp tục lục tìm những mối quan hệ trong cơ quan lâu nay, chị nghĩ đến một cô nàng khá xinh xắn vẫn thường được chàng trai kia quan tâm đặc biệt. Từ đầu mối ấy, chị làm cuộc phỏng vấn vội cô nàng xinh đẹp kia và bài toán đã có đáp số: cô này vẫn thường phải nhận tin nhắn chửi bới, đe dọa từ số điện thoại vừa nhắn tin cho chị. Chị kết luận ngay người chủ mưu là cô vợ của chàng này.
“Làm thế nào hả chị? Nó cứ nhắn tin khủng bố em hoài?”. Cô nàng xinh đẹp hỏi. Chị khoát tay: Chẳng cần làm gì hết với kiểu phụ nữ ghen tuông bệnh hoạn. Cô vợ kia muốn cô lập chàng, không muốn chàng vui vẻ với bất cứ người phụ nữ nào, dù già hay trẻ. Mình là chén kiểu, không đọ được với chén sành. Chỉ cần nói với anh ta yêu cầu cô vợ phải chấm dứt ngay những hành động ghen tuông phi lý, nếu cô ta chối thì cũng không cần phải quan tâm ai là chủ nhân những tin nhắn hồ đồ ấy.Tuy nhiên, theo ý chị, câu chuyện vẫn chưa êm, chưa có hồi kết vì khi phụ nữ bị bệnh ghen tuông hoang tưởng thì rất khó ngộ ra vấn đề. Thua keo này họ sẽ bày keo khác. Cách tốt nhất là không chủ quan hay vô tư về mối quan hệ với chàng trai nọ nữa, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Với chị, dù đã quá ngũ tuần và có một cuộc sống gia đình êm ấm bấy lâu nay, sự việc đó cũng cho phép rút ra một bài học. Với cô gái trẻ, chị truyền lại lời dạy của người xưa “Trai tân gái góa thì chơi/ Đừng nơi có vợ, đừng nơi có chồng”.
Với những người phụ nữ ghen tuông bệnh hoạn, trong đầu họ luôn nghĩ ra trăm ngàn điều xảy ra khi chồng mình vừa dắt xe ra khỏi nhà. Anh ta đi đâu, nói chuyện với ai, cười cợt với cô nào, bà nào… Thậm chi, họ còn tưởng tượng ra trong lúc họ đang ngồi ở nhà vò võ chờ chồng thì ông chồng đang vui vẻ với một cô nàng nào đó, cảnh tượng thế nào, họ làm những công đoạn gì…Có người bệnh hoạn đến mức chồng về nhà vừa thay cái áo ra là lấy đi giặt ngay với mục đích xem có vết son hay mùi nước hoa lạ không. Chưa kể việc họ thường xuyên kiểm tra điện thoại, tin nhắn và cả email của chồng. Có người ghen cả trên thế giới ảo, vào blog của chồng đọc comment, qua blog chủ nhân các comment đó rồi để lại những lời đe dọa, hay những lời ghen tuông có ẩn ý. ..
Tất nhiên, chẳng có ông chồng nào hạnh phúc được khi có bà vợ cả nghĩ, hay ghen. Cuộc sống mà bị hành hạ kiểu ấy thì quả là… địa ngục! Có ông chồng tan sở là cắm cúi về nhà, đường ngay lối thẳng mà đi, không dám liếc ngang, liếc dọc. Nghiêm chỉnh vậy đôi khi đức lang quân vẫn bị vợ tra khảo: về nhà sớm một chút thì bị vặn hỏi về sớm chắc là trốn việc đi chơi với cô nào, lúc lấy quàn áo ra giặt hay lấy cây lau nhà thì bị truy xét chắc có ngoại tình nên hối lỗi…Đó mới chỉ là những tình huống nhẹ. Những Hoạn Thư thời hiện đại còn đủ các kiểu hồ đồ khác để bày tỏ tính ghen tuông vô lý.
(Theo Doanh nhân)